Lợi nhuận ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có sự phân hóa mạnh

Kinh tế Chứng khoán 07:11 12/04/2022

Trong năm 2021, kết quả kinh doanh của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có sự phân hoá rõ rệt, có ngân hàng duy trì đà tăng trưởng nhưng cũng có nhà băng liên tục đi lùi trong nhiều năm.

0739-ynh-chyp-man-hinh-2022-04-11-luc-090723
Ảnh minh họa

Năm 2021, lợi nhuận Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ Việt Nam (ANZ Việt Nam) giảm gần 78% so với năm 2021, chỉ đạt 87,8 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 4 năm trở lại đây sau khi ngân hàng này bán mảng bán lẻ cho Shinhan Bank. Trong năm, các hoạt động của ngân hàng đều ghi nhận sự sụt giảm.

Trong khi đó, HSBC Việt Nam liên tiếp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm trong ba năm trở lại đây. Năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng tiếp tục giảm hơn 17% so với năm trước, trong khi năm 2020 lợi nhuận của ngân hàng này cũng giảm 34%.

Lý do chủ yếu đến từ việc chi phí dự phòng tăng gấp hơn 10 lần năm trước (từ 24,7 tỷ đồng lên 279 tỷ đồng) và chi phí hoạt động tăng nhẹ (3,8%).

Đáng chú ý, tại Hongleong Bank Vietnam, dù mới công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, ngân hàng đã lỗ trước thuế 12,9 tỷ đồng, thấp hơn khoản lỗ năm 2020 là 19,7 tỷ đồng. Năm 2018, công việc kinh doanh của ngân hàng cũng không quá thuận lợi khi ghi nhận lỗ trước thuế lên gần 27 tỷ đồng.

Trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm tại ba ngân hàng nước ngoài ở trên, mới đây, Ngân hàng TNHH Một Thành viên Shinhan (Shinhan Việt Nam) đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán tóm tắt năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.161 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước.

Lợi nhuận ròng của ngân hàng đạt 2.527 tỷ đồng, cao gấp đôi con số của HSBC Việt Nam và gấp 30 lần ANZ.

Hều hết mảng kinh doanh của ngân hàng đều khởi sắc trong năm 2021. Cụ thể, thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, tăng gần 12% lên xấp xỉ 5.000 tỷ đồng nhờ cho vay khách hàng tăng mạnh 15,8%. Lãi thuần từ các mảng dịch vụ, kinh doanh ngoại hối của ngân hàng cũng tăng lần lượt 27,8% và 18,3%.

Tại Public Bank, ngân hàng duy trì tốc độ phát triển khả quan trong vòng 6 năm trở lại tại Việt Nam với con số lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm. Trong năm 2021, Public Bank Việt nam lãi trước thuế 476 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020.

Về quy mô tài sản, 4 ngân hàng nước ngoài đã công bố báo cáo tài chính năm 2021, ghi nhận tăng trưởng tài sản đều đạt hai con số, cũng có ngân hàng giảm nhẹ so với năm 2020.

Theo đó, tại HSBC, tổng tài sản của ngân hàng đạt 163.701 tỷ đồng, tăng 26,9% trong đó cho vay khách hàng tăng 14,4% đạt 54.982 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng hơn 31% đạt 146.104 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp 0,25%, giảm so với năm trước, tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 15,45%.

Tương tự với Shinhan Bank, tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng tăng 13,4% so với năm trước. Tại Public Bank, ngân hàng ghi nhận tổng tài sản đạt 34.186 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020.

Trong khi đó, tổng tài sản của ANZ Việt Nam tính đến 31/12/2021 giảm 3,4% so với đầu năm, đạt 41.289 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 23,8% lên 8.968 tỷ đồng trong khi dự phòng rủi ro tăng gần 40% lên 67 tỷ đồng.

Số dư cho vay khách hàng của ngân hàng đã sụt mạnh sau năm 2017 và phục hồi lại vào năm 2018 nhưng trong hai năm tiếp theo, con số này tiếp tục giảm. Đến cuối năm 2020, cho vay khách hàng của ANZ chỉ đạt hơn 7.200 tỷ cho đến khi phục hồi lại như hiện tại.

Bạn đang đọc bài viết Lợi nhuận ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có sự phân hóa mạnh tại chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu