Đây là thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam do Thanh tra Chính phủ vừa ban hành.
Nguyên liệu không hợp pháp của Công ty Tuấn Dung
Thông báo kết luận thanh tra nêu rõ, trong quản lý sử dụng vốn, tài sản, một số công ty thành viên như Công ty Thuốc lá Thăng Long Công ty Thuốc lá Sài Gòn , Công ty CP Ngân Sơn, Công ty CP Hòa Việt chưa ban hành quy chế quản lý sử dụng tài sản; chưa xây dựng mức dự trữ hàng tồn kho, lượng hàng tồn kho lớn gây ứ đọng vốn, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh .
Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cũng chưa ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong các hoạt động bảo đảm tính liên tục cho sản xuất, kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp.
Một số chi phí không phù hợp với hoạt động kinh doanh, phải loại khỏi chi phí khi xác định trị giá tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp bổ sung hơn 38,5 tỷ đồng.
"Công ty Thuốc lá Thăng Long giữ lại hơn 73 tỷ đổng vốn bổ sung cho dự án đầu tư của 2 công ty thành viên (Thanh Hóa, Bắc Sơn) là chưa phù hợp với Quyết định của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam", thông báo nêu rõ.
Liên quan đến việc nhập thuốc lá nguyên liệu, trồng, chế biến nguyên liệu thuốc lá; sản xuất thuốc lá điếu, phân phối sản phẩm thuốc lá, hoạt động mua nguyên liệu thuốc lá, Thanh tra Chính phủ xác định còn một số tồn tại cần khắc phục như mua nguyên liệu thuốc lá của người trồng theo hình thức mua xô; bán lại nguyên liệu thuốc lá khi không có giấy phép mua bán nguyên liệu; không tổ chức chào hàng cạnh tranh để quyết định giá mua nguyên liệu.
Sử dụng nguồn phát triển thị trường tổ chức đi nước ngoài, trong đó nhiều đối tượng không đúng với mục đích chuyến đi. Nguồn gốc một số nguyên liệu thuốc lá của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung bán cho một số công ty thành viên có dấu hiệu hợp thức hóa nguyên liệu thuốc lá không hợp pháp.
Trái chỉ đạo của Thủ tướng
Theo kết luận, trong đầu tư xây dựng, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã có sai phạm việc thực hiện góp vốn dự án tại 152 Trần Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Tổng công ty đã không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp nhà nước; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tổng công ty chuyển nhượng hơn 30.000m2 tại 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp.
Khu đất 152 Trần Phú được coi là đất "vàng", có diện tích lớn, vị trí đẹp tại trung tâm quận 5. Khu đất trước là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn thuộc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (100% vốn thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba). Sau khi nhà máy rời đi thì khu đất được mang ra góp vốn thực hiện dự án thương mại.
Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra việc thực hiện dự án tại số 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội của Tổng công ty đã có một số sai phạm. Dự án kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ di dời Nhà máy thuốc lá Thăng Long, đến hiệu quả sử dụng vốn của Tổng công ty Thuốc lá…
"Kể từ khi Thủ tướng cho phép thực hiện dự án đến nay đã hơn 10 năm, nhiều cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đã có sự thay đổi mà thực tế dự án chưa được triển khai, cần phải báo cáo Thủ tướng trước khi tiếp tục thực hiện", kết luận nêu.
Một số dự án đầu tư chậm tiến độ, thủ tục phải phê duyệt điều chỉnh nhiều lần ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra sai phạm
Kết luận thanh tra chỉ rõ, chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc về Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Viện thuốc lá...
Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm tra việc kê khai, nộp thuế đối với các trường hợp thu mua nguyên liệu thuốc lá của các hộ nông dân được thực hiện bằng hình thức bảng kê để xác định giá tính thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp; xác định lại thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung.
Liên quan đến Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, làm rõ những vụ việc mua bán nguyên liệu của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung có dấu hiệu của tội "trốn thuế" theo Điều 200 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Theo Thanh tra Chính phủ, nguồn gốc một số nguyên liệu thuốc lá của Doanh nghiệp Tuấn Dung bán cho một số công ty thành viên có dấu hiệu hợp thức hoá nguyên liệu thuốc lá không hợp pháp.
Các công ty thành viên thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam mua nguyên liệu của doanh nghiệp Tuấn Dung gồm: Công ty CP Việt Hoà; các Công ty thuốc lá Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp và Cửu Long.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát hoạt động mua bán nguyên liệu thuốc lá, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh nguyên liệu thuốc lá.
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất tại 152 Trần Phú và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.
"Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc đến ngày 31/12/2023 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển cơ quan điều tra, Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật", Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.