Năm dự án với hơn 40.000 tỷ đồng
Danh sách 5 dự án điện mặt trời nổi được đề nghị này gồm Dự án Điện mặt trời nổi KN Srêpốk 3 tại tỉnh Đắk Lắk, quy mô là 380 MWp; Dự án Điện mặt trời nổi KN Ialy Gia Lai tại tỉnh Gia Lai, quy mô 500 MWp; Dự án Điện mặt trời nổi KN Ialy Kon Tum tại Kon Tum, quy mô 300 MWp; Dự án Điện mặt trời nổi KN Buôn Tua Srah tại tỉnh Đắc Nông, quy mô 390 MWp và Dự án Điện mặt trời nổi KN Trị An tại Đồng Nai, gồm 3 giai đoạn với quy mô 1.160 MWp.
Các dự án điện mặt trời nổi trên được UBND các địa phương liên quan đề xuất tới Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch điện trong thời gian từ ngày 19/9/2020 đến ngày 25/9/2020.
Trong văn bản thẩm định của Bộ Công thương cũng nhắc tới quy mô vốn đầu tư của các dự án này, với tổng cộng trên 40.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án Điện mặt trời nổi KN Srêpốk 3 có vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; Dự án Điện mặt trời nổi KN Ialy Gia Lai hơn 8.300 tỷ đồng; Dự án Điện mặt trời nổi KN Ialy Kon Tum hơn 3.100 tỷ đồng; Dự án Điện mặt trời nổi KN Buôn Tua Srah hơn 6.200 tỷ đồng và Dự án Điện mặt trời nổi KN Trị An lên tới hơn 18.000 tỷ đồng.
Như vậy, 5 dự án điện mặt trời nổi có quy mô công suất lên tới 2.670 MWp này cũng không thua kém mấy về công suất so với Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW) - dự án được xem là lớn nhất khu vực ASEAN và có quy mô vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng.
Các dự án trên cũng đã nhanh chóng được Bộ Công thương thẩm định theo từng dự án.
Với thực tế hiện nay đã gần cuối tháng 11/2020, nhưng Dự thảo Quy hoạch Điện VIII còn phải bổ sung và cập nhật lại một số nội dung và chưa được trình lên Chính phủ, nên việc tiếp tục phải trình bổ sung các dự án năng lượng tái tạo riêng lẻ như trường hợp 5 dự án điện mặt trời nói trên cũng là dễ hiểu.
Trước đó, Bộ Công thương đã từng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên tính toán, xem xét khả năng giải tỏa công suất của 21 dự án điện mặt trời đã được thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo số 221/TB-VPCP (ngày 1/7/2020).
Được biết, 21 dự án có tổng quy mô 1.163 MWp (tương đương 930 MW) được nhắc tới này là các dự án đã hoàn thành thẩm định để chuẩn bị cho thực hiện thí điểm cơ chế xác định giá cạnh tranh các dự án điện mặt trời giai đoạn sau ngày 31/12/2020.
Tuy nhiên, 21 dự án trên chỉ là một phần trong tổng số 124 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên tới 10.862 MW đã được Bộ Công thương hoàn thành công tác thẩm định - bước đi cần thiết trước khi trình Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch điện hiện hành.
Chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật
Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời đã hoàn thành công tác thẩm định dự kiến thực hiện trên các hồ thủy điện và phương án đấu nổi để thực hiện cơ chế đấu thầu thí điểm hoặc thực hiện cơ chế DPPA (cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững).
Cho rằng, “trong bối cảnh một số dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ, nguồn nước cho các nhà máy thủy điện giảm, nguồn cung than, khí gặp khó khăn sẽ dẫn tới khả năng hệ thống điện có thể thiếu điện sau năm 2021-2023 và các năm tiếp theo, nên việc xem xét bổ sung nguồn điện từ các dự án điện mặt trời vào lưới điện quốc gia là cần thiết”, nhưng trong góp ý cho 5 dự án điện mặt trời nổi nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra một số lưu ý.
Đó là, việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch cần phải được nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của các dự án để đảm bảo sự đồng bộ, liên kết, kế thừa với phương án phát triển trong thời gian tới của các ngành khác trên địa bàn như đất đai, phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng, phương án tổ chức lãnh thổ, phân bố dân cư…
Với các dự án được xây dựng, lắp đặt nổi trên mặt nước các hồ thủy điện gồm Srêpốk 3, Ialy, Buôn Tua Srah và Trị An, cần thực hiện việc đánh giá tác động của dự án trong quá trình vận hành (rửa tấm pin), thay thế, sửa chữa các thiết bị điện mặt trời và xử lý các tấm pin cũng như các thiết bị khác khi kết thúc dự án tới môi sinh, ảnh hưởng tới nguồn nước, nuôi trồng thủy sản của người dân, tưới tiêu, phát triển giao thông đường thủy… trên hồ.
Đồng thời, việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án này cần có sự phối hợp với các nhà máy thủy điện, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, điều hành và bảo vệ hồ chứa thủy điện.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là giai đoạn lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, nên đề nghị chưa khẳng định nhà đầu tư trong trường hợp các dự án được Bộ Công thương đề xuất bổ sung quy hoạch. “Sau khi được quy hoạch, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cần tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành; đề nghị UBND các tỉnh giám sát việc thực hiện của chủ đầu tư với các cam kết đầu tư khi được lựa chọn thực hiện các dự án theo quy định pháp luật hiện hành”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Hiện cả nước mới có Nhà máy Điện mặt trời nổi Đa Mi được xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi đã đi vào vận hành với công suất 47,5 MWp, giá trị đầu tư thực hiện là 1.226 tỷ đồng, bao gồm thuế.
Đây cũng là dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khi đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế như giám sát chất lượng nước và thủy sinh tại hồ Đa Mi thông qua việc thực hiện đo các chỉ số về hóa học, vật lý và sinh học 3 tháng/lần, hay lắp các thiết bị bảo vệ các cá thể chim trời dọc đường dây truyền tải của dự án.