'Lạ lùng' các công ty chứng khoán vay ngược lại doanh nghiệp

Theo Nguyên Nam 11:29 20/07/2022

Trong trạng thái "thừa tiền", Thế giới Di động là một trong số ít công ty niêm yết "cho vay ngược lại" các công ty chứng khoán. Cuối quý I, công ty cho hai đơn vị có quy mô lớn trên thị trường là Chứn

CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS)

Trên sàn chứng khoán, Thế giới Di động (Mã: MWG) là công ty niêm yết sở hữu một lượng tiền mặt lớn. Cập nhật mới nhất tại thời điểm cuối quý I, lượng tiền tương đương tiền, trái phiếu và gửi ngân hàng của Thế giới Di động đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, ông lớn trong ngành bán lẻ này vẫn duy trì dư nợ tương đối lớn từ các khoản vay ngắn hạng ngân hàng, trái phiếu thường với quy mô vượt 1 tỷ USD. Tuy vậy, quan sát thấy rằng chi phí lãi vay của công ty thường thấp hơn lãi thu về.

Trong trạng thái "thừa tiền", Thế giới Di động là một trong số ít công ty niêm yết "cho vay ngược lại" các công ty chứng khoán. Cuối quý I, công ty cho hai đơn vị có quy mô lớn trên thị trường là Chứng khoán HSC (Mã: HCM) và Chứng khoán VPS vay nợ 765 tỷ đồng và 158 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, HSC và Thế giới Di động có quan hệ vay mượn trong nhiều năm nay.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) phát sinh khoản vay 150 tỷ đồng từ Thế giới Di động trong quý II/2022. Nguồn: BCTC

Báo cáo công bố mới đây cho thấy thêm một công ty chứng khoán vay nợ từ Thế giới Di động là Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Trong quý II, TPS phát sinh khoản vay 150 tỷ đồng từ Thế giới Di động, đây là khoản vay ngắn hạn có lãi suất 8 - 8,2%/năm.

Ngoài Thế giới Di động, TPS còn đang có khoản vay ngắn hạn hơn 346 tỷ đồng (15 triệu USD) từ Ngân hàng Shinhan - Chi nhánh Singapore. Đây là khoản vay nhằm mục đích thanh toán tiền mua trái phiếu chính phủ với lãi suất 3%/năm.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có quý lỗ đậm nhất lịch sử

Theo báo cáo tài chính công bố, tổng doanh thu hoạt động trong quý II của TPS là 661,7 tỷ đồng, tăng 131,6 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi tiết theo từng mảng hoạt động, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) trong quý II chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 279,5 tỷ đồng, tăng 265,1% so với cùng kỳ 2021. Thu từ hoạt động tư vấn tài chính là 204,5 tỷ đồng, tăng 67,1%.

Doanh thu từ cho vay và phải thu hạch toán 47,9 tỷ đồng, tăng 384,9% so quý II/2021. Với việc sụt giảm về thanh khoản trên thị trường cổ phiếu, doanh thu mảng môi giới chứng khoán giảm 26,8% xuống 18,4 tỷ đồng.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cắt lỗ danh mục (Nguồn: BCTC TPS)

Trong quý II, chi phí hoạt động của BVSC tăng đột biến lên 698 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ việc công ty cắt lỗ loạt danh mục gồm cổ phiếu và trái phiếu dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL là 527,9 tỷ đồng trong quý II.

Trong quý vừa qua, TPS chốt lời VHC và cắt lỗ cổ phiếu SSI cùng loạt mã khác. Tổng mức cắt lỗ cổ phiếu niêm yết trong quý II là 87 tỷ đồng. Đáng chú ý là việc bán cắt lỗ hàng chục tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của TPS khiến công ty chịu mức lỗ hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu là 367,3 tỷ đồng, cao hơn đáng kể mức chốt lời 172,8 tỷ đồng.

Kết quả là, Chứng khoán TPS báo lỗ trước thuế và sau thuế là 161,2 tỷ đồng và 128,9 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của TPS là 6.058 tỷ đồng, tăng hơn 1.290 tỷ đồng so với đầu năm. Khác với nhiều đơn vị khác trên thị trường, giá trị cho vay margin của TPS sụt giảm không lớn trong quý II.

Cụ thể, giá trị cho vay margin của TPS là 1.487 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý I, giá trị cho vay margin tạo đỉnh 1.764 tỷ đồng. Theo đó, quy mô cho vay margin của công ty giảm 286 tỷ đồng, thấp hơn so với quy mô đầu năm.

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/la-lung-cac-cong-ty-chung-khoan-vay-nguoc-lai-doanh-nghiep-140989.html

Bạn đang đọc bài viết 'Lạ lùng' các công ty chứng khoán vay ngược lại doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp