Tuy nhiên, có thể thắt chặt đối với lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, du lịch...
Các tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực, ngoại trừ nhu cầu tín dụng cho “đầu tư, kinh doanh du lịch” giảm trong 6 tháng đầu năm 2021 và được dự báo phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.
6 tháng cuối năm 2021, tín dụng bất động sản, chứng khoán tiếp tục bị siết chặt (Ảnh minh họa) |
Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, rủi ro tín dụng được dự báo tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021. Các TCTD dự kiến tiếp tục nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình đối với hầu hết các nhóm khách hàng.
Trong đó, ưu tiên nới lỏng đối với nhóm khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Trong khi vẫn dự kiến thắt chặt đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán; đầu tư kinh doanh bất động sản; kinh doanh tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư, kinh doanh du lịch.
Thời gian gần đây một số chuyên gia cũng đã bắt đầu quan tâm đến bong bóng tài sản. Các hiện tượng nóng gần đây liên quan đến bất động sản, chứng khoán đang ngày càng rõ hơn. Bằng chứng của việc dòng tiền đổ vào chứng khoán qua số tài khoản mở mới 6 tháng đầu năm đến nay lên tới gần 620.000 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020, năm thị trường đã lập kỷ lục lịch sử về số tài khoản cá nhân mới.
Giới chuyên gia đánh giá khi các ngân hàng hạ lãi suất huy động xuống thấp. Khi không có nhiều kênh có thể để đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi trong bối cảnh lãi suất thấp thì các nhà đầu tư sẽ đổ vào chứng khoán.
Trong khi đó ở lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group chia sẻ, việc lãi suất hạ thấp trong thời gian qua hỗ trợ rất nhiều cho thị trường bất động sản cả về hai phía gồm những doanh nghiệp kinh doanh, xây dựng bất động sản lẫn khách hàng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, song lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản vẫn ghi nhận nhiều tích cực và chỉ số tăng đáng kể. Đáng chú ý giá bất động sản vẫn tăng thẳng đứng.
Có thể nói rằng thời gian qua, tiền vào nhà đất và chứng khoán khá nhiều. Do vậy giới chuyên gia cho rằng nếu không kiểm soát tốt dòng tiền từ các ngân hàng thương mại vào bất động sản và chứng khoán thì nguy cơ dự báo sẽ rất khó lường.
Theo Đại đoàn kết