Vụ ATS kiện VPBank: Vì sao đã “thuận tình” giao tài sản để cấn nợ rồi không thực hiện?

Doanh nghiệp Việt Nam 16:29 11/04/2021

Mặc dù TAND Ba Đình đã có quyết định công nhận thỏa thuận việc ATS chuyển tài sản để cấn trợ nợ cho VPBank nhưng ngay sau đó lại khiếu kiện, đề nghị được thực hiện thủ tục phát mại tài sản để trả nợ.

“Không ai đi cho không cả nghìn tỷ đồng”

Cụ thể, theo Quyết định số 05/2013/QĐST-KDTM của TAND quận Ba Đình, Hà Nội thể hiện xác định Công ty ATS còn nợ VPBank các khoản tiền theo 04 Hợp đồng tín dụng tổng giá trị hơn 1.528 tỷ đồng, bao gồm cả gốc lẫn lãi. Nhưng Công ty ATS “chỉ phải” thanh toán cho VPBank là 1.461 tỷ đồng, trong đó khoản nợ gốc là 796 tỷ đồng, phần còn lại là lãi (sau khi đã được VPBank giảm trừ một phần lãi).

Đại diện Công ty ATS cho biết, ngay từ khi biết được nội dung Quyết định 05 của TAND Ba Đình thì đơn vị này đã khiếu kiện và muốn thực hiện thông qua đấu giá tài sản để trả nợ chứ không chuyển giao tài sản cho VPBank để cấn trừ nợ. Bởi vì, Công ty ATS phát hiện một phần nội dung của quyết định 05 có sai sót, không giống với các thỏa thuận giữa hai đơn vị trước đó. Cụ thể, theo thỏa thuận mà hai bên đã ký thì ATS đồng ý chuyển tài sản để gán nợ cho VPBank là bao gồm 06 hợp đồng kinh tế. Trong đó có 04 hợp đồng tín dụng (ATS vay 786 tỷ đồng của của VPBank) và 01 hợp đồng đặt cọc mua nhà giá trị 524 tỷ đồng; 01 hợp đồng thuê nhà trả tiền trước 01 tháng hơn 15,2 tỷ đồng.

Một điểm giao dịch VPBank

Đại diện của ATS phân trần: Sự sai sót trong Quyết định 05 là rất dễ dàng nhận ra vì nó không đúng với lô-gic thông thường. Bởi nếu ATS sử dụng cả 08 tài sản mà chỉ trả được gốc và lãi cho 04 hợp đồng vay vốn thì sau đó ATS sẽ phải tiếp tục trả thêm cho VPBank khoản tiền đặt cọc mua nhà và thuê nhà mà VPBank đã chuyển cho ATS là 524 và hơn 15,2 tỷ đồng. Hơn nữa, tổng giá trị 08 tài sản mà ATS dự định gán nợ cho VPBank đã được chính ngân hàng này xác định giá trị lên đến 2.100 tỷ đồng (đây là giá do ngân hàng xác định tại thời điểm cho vay còn giá trị thực tế tại thời điểm gán nợ chắc chắn cao hơn) thì chẳng có lý do gì ATS lại “thuận tình” chuyển hết tài đó cho ngân hàng để “cấn ngang” khoản nợ chỉ có 1.461 tỷ đồng.

“Một bà bán rau cũng đủ kiến thức để biết rằng chẳng ai dại đến nỗi “gán ngang” khối tài sản trị giá 2.100 tỷ cho khoản nợ 1.461 tỷ đồng, chấp nhận mất 639 tỷ đồng. Theo lẽ thông thường, chỉ cần bán tài sản rồi mang tiền trả nợ ngân hàng là xong, còn dư ra kha khá. Nhưng vì đây là các hợp đồng kinh tế, hợp đồng tín dụng nên khi không có đủ tiền mặt để trả thì chúng tôi buộc phải bàn giao tài sản để xử lý nợ, theo các quy định pháp luật. Nhưng khi thấy một phần nội dung của Quyết định 05 của TAND Ba Đình có sai sót, chúng tôi đã có đơn thư phản đối việc sang tên tài sản cho ATS và yêu cầu làm thủ tục phát mại tài sản theo điều 7 của chính Quyết định 05 và các quy định pháp luật hiện hành”, Đại diện Công ty ATS nói.

Ngân hàng cho vay với lãi suất “cắt cổ”?

Để tiếp tục bảo vệ lý lẽ rằng Quyết định 05 của TAND Ba Đình có một phần nội dung sai sót, không giống với sự “thuận tình” của ATS (chỉ liệt kê 04 hợp đồng tín dụng mà ATS vay tiền VPBank không liệt kê hợp đồng VBPBank thuê nhà và đặt cọc mua nhà của ATS), đại diện đơn vị này phân tích thêm: “Nếu công nhận phần nội dung liên quan đến số lượng hợp đồng và tổng số tiền ATS phải trả thì vô hình chung, quyết định của Tòa đã “công nhận VPBank cho vay với lãi suất “cắt cổ”.

TAND quận Ba Đình nơi đưa ra Quyết định 05

Cụ thể, từ con số nợ gốc là 796 tỷ, sau hơn 2 năm, tổng số tiền ATS phải trả bao là hơn 1.528 tỷ đồng (tổng số nợ khi ngân hàng chưa giảm trừ). Nghĩa là tổng số lãi mà VPBank thu của khách hàng là khoảng 732 tỷ đồng, gần bằng so với số nợ gốc.

Từ đó để thấy rằng, trong Quyết định 05 của TAND Ba Đình thiếu 02 hợp đồng cho thuê và đặt cọc mua nhà sẽ tạo nên sự vô lý. Kể cả, tổng số nợ mà ATS phải trả sau khi giảm, trừ còn 1.461 tỷ đồng thì vẫn rất vô lý, khó giải thích về khoản lãi mà ATS phải trả cho khoản vay sau 02 năm.

“Trong các phiên tòa, đại diện của VPBank thường đưa ra luận điểm “có vay có trả” và nói đã “nhân ái” giảm cho ATS hàng ngàn tỷ đồng tiền lãi suất. Nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng tôi thế chấp tài sản vay vốn để kinh doanh nhưng mới được ba tháng họ đã đòi tất toán, gây khó khăn cho chúng tôi. Chúng tôi đồng tình quan điểm “có vay có trả”, nhưng trong việc xử lý tài sản này VPBank phải tuân thủ theo Quyết định số 05 của TAND quận Ba Đình, là phải thông qua thi hành án, đấu giá tài sản để thu hồi nợ chứ không được tự ý sang tên trái phép, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ cho công ty chúng tôi”, đại diện Công ty ATS nói.

Link gốc : https://doanhnghiepvn.vn/phap-luat/vu-ats-kien-vpbank-vi-sao-da-thuan-tinh-giao-tai-san-de-can-no-roi-khong-thuc-hien/20210406064527666?

Bạn đang đọc bài viết Vụ ATS kiện VPBank: Vì sao đã “thuận tình” giao tài sản để cấn nợ rồi không thực hiện? tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp