Nợ có khả năng mất vốn tăng “đột biến”
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) tăng 1.233,6 tỷ đồng so với hồi đầu năm lên mức 4.056 tỷ đồng, tương đương tăng 45%. Số nợ xấu này không bao gồm 3.831 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS).
Ngoài số nợ xấu hiện hữu và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán thì ACB cũng đang có hơn 18.300 tỷ đồng nghĩa vụ nợ “tiềm ẩn”, tăng gần 1.000 tỷ so với hồi đầu năm. Vì vậy, nếu tính cả những phần nợ “tiềm ẩn” chưa được ghi nhận này thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này chắc chắn sẽ có thay đổi.
Đáng lo ngoại hơn là chất lượng nợ vay của ACB đang có dấu hiện đi xuống khi ghi nhận sự chuyển dịch từ Nợ nhóm 3, Nợ nhóm 4 sang Nợ nhóm 5.
Cụ thể, so với hồi đầu năm, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) giảm 43,4% xuống mức 304,5 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) giảm 36,4% còn 561,1 tỷ đồng. Trong khi đó, Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) tăng 2,3 lần lên mức 3.190,4 tỷ đồng, chiếm tới 79% tổng nợ xấu của ACB. Kéo theo đó, nợ xấu nội bảng của ACB nhích từ 0,78% hồi đầu năm lên 1,02% tại cuối tháng 9/2022.
Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm, ACB ghi nhận hơn 17.079 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 2.600 tỷ đồng, tăng 21%; Lãi từ hoạt động khác tăng gấp 12 lần cùng kỳ, thu về hơn 849 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và kinh doanh ngoại hối giảm lần lượt 87,4% và 14% so với cùng kỳ, xuống còn 23,3 tỷ đồng và 544,5 tỷ đồng. Thậm chí, hoạt động kinh doanh chứng khoán báo lỗ 277,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 388,6 tỷ đồng.
Tuy nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, nhưng ACB lại hoàn nhập gần 180 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Do đó, ACB báo lãi sau thuế 10.817,6 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù đạt lợi nhuận khả quan nhưng dòng tiền của ACB lại ghi nhận âm gần 9.874 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm (cùng kỳ vẫn dương 16.090 tỷ đồng). Trong đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 9.692,3 tỷ đồng; Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 181,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của ACB này tăng 6% so với đầu năm lên mức gần 561.114 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt hơn 402.200 tỷ đồng, tăng hơn 11%; Tiền gửi khách hàng tăng 3,2% so với đầu năm lên 392.023 tỷ đồng,…
Phát hành tới 12 lô trái phiếu
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 9 tháng đầu năm 2022, ACB đáo hạn 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 6.950 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này cũng mua lại toàn bộ 3 lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm có giá trị 1.054 tỷ đồng.
Song song với việc đáo hạn và mua lại trái phiếu, Ngân hàng ACB cũng phát hành tới 12 lô trái phiếu trong 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, vào từ tháng 3 đến tháng 5/2022, ACB phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 7.150 tỷ đồng.
Tháng 7/2022, ACB phát hành lô trái phiếu ACBH2223007 có giá trị 500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tháng 8/2022, ACB phát hành liên tiếp 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.300 tỷ đồng.
Theo HNX, 12 lô trái phiếu do ACB phát hành trong năm 2022 đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Và đều do Công ty con của ACB – ACBS làm tổ chức đăng ký/lưu ký.
Tính đến thời điểm hiện tại, ACB đang lưu hành 30 lô trái phiếu (chủ yếu được phát hành trong năm 2021 và 2022) với tổng giá trị 37.080 tỷ đồng.