Room tín dụng cũng không còn quá dư dả, trong khi dịp cao điểm về nhu cầu vốn cuối năm đang đến gần đang gây áp lực lớn với lãi suất cho vay.
Theo khảo sát của chúng tôi, thời điểm giữa tháng 10, các ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới và đã tăng 0,1-0,5 điểm phần trăm.
Tại ACB, lãi suất cơ sở của nhà băng này đã được nâng từ 8 lên 8,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm (đpt). SeABank đang ghi nhận lãi suất cơ sở 9,9%, tăng 0,3 đpt so với tháng trước.
Eximbank, cũng đã cập nhật biểu lãi suất cơ sở mới. Trong đó, mức thấp nhất là 8,3%/năm dành cho các hợp đồng tín dụng có thời hạn vay tối đa 1 năm, chu kỳ thay đổi lãi suất 3 tháng. Trước đó hồi cuối tháng 10, lãi suất cơ sở thấp nhất của ngân hàng này là 7,8%. Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất đã hạ từ 9,9% xuống còn 9,6%.
Lãi suất cơ sở của Sacombank cũng đã được nâng lên và hiện đang dao động ở mức 6,5-8,6% .Mức lãi suất cao nhất và thấp nhất lần lượt tăng 0,5 và 0,3 đpt so với biểu lãi suất trước đó.
Tại VPBank, lãi suất đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân cũng đã được nâng lên. Lãi suất cơ sở thấp nhất là 9,7%/năm dành cho các kỳ hạn từ từ 1-3 tháng (kỳ điều chỉnh lãi 1 tháng) và cao nhất là 11,7%/năm được áp dụng với kỳ hạn trên 15 năm (kỳ điều chỉnh lãi 3 tháng). Trong khi đó, ở lần niêm yết trước, biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng chỉ ở mức 8,6-10,6%.
Mức lãi suất trên 10% cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Như tại TPBank, lãi suất cơ sở của nhà băng này là 9,1-10,6%/năm; SHB (10-11,3%); Techcombank (9,85-12,15%); VIB (9,1-11,4%); VietBank (9,75-10,75%).
Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay hiện tại đã khó ở mức dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của NHNN.
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, lãi suất đầu vào tăng đồng nghĩa với chi phí vốn của ngân hàng sẽ nâng lên. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước thì lãi suất đầu ra của ngân hàng phải tăng theo. Với các ngân hàng vẫn còn room tín dụng để cho vay thêm, chắc chắn nhóm này sẽ nâng lãi suất vì nhu cầu vốn hiện nay đang lớn trong khi room còn hạn hẹp, chi phí đầu vào cao hơn, lãi suất cho vay tăng là điều khó tránh khỏi.
Theo công ty chứng khoán ACB (ACBS), tính đến 25/10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 11,5%, trong khi tăng trưởng huy động chỉ đạt 4,6%. Điều này khiến thanh khoản hệ thống chịu áp lực và các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên khoảng 1% trong tháng 10 vừa qua, tổng cộng 2% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng tương ứng. Điều này giúp NIM của các ngân hàng sẽ được giữ ở mức tương đương năm 2021.