Tín dụng có thể tăng 15 - 17%
Lường trước dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, song năm nay, hàng loạt ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm ngoái. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho hay, ngân hàng này chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “chốt” hạn mức tín dụng, song ước tính năm 2021, tín dụng sẽ tăng khoảng 15-17%, nếu cộng cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ tăng trên 20%.
Kết quả điều tra khảo sát do NHNN vừa thực hiện cho thấy, ngoại trừ nhóm ngân hàng TMCP lớn, các ngân hàng TMCP còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021. Theo ước tính của các tổ chức tín dụng, tín dụng quý I/2021 sẽ tăng 3,6% và tín dụng cả năm 2021 tăng 13%. Động lực tăng trưởng tín dụng được các ngân hàng lựa chọn là: bán buôn bán lẻ, xuất nhập khẩu, phục vụ nhu cầu đời sống, xây dựng…
Mặc dù Covid-19 đang có dấu hiệu phức tạp trở lại, song nhiều chuyên gia cho rằng, do đã có kinh nghiệm phòng chống dịch, Việt Nam vẫn sẽ khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh tốt. Do đó, nhiều khả năng kinh tế năm 2021 sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2020, kéo theo cầu tín dụng tăng trở lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng năm 2021 có thể tăng khoảng 15%.
“Thời gian tới, tăng trưởng chủ yếu phải dựa vào tín dụng (cung tiền). Do đó, để hỗ trợ tăng trưởng thời gian tới, tín dụng cần mở rộng thêm để bù đắp cho các khoản nợ xấu, cho doanh nghiệp vay mới, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Nghĩa đề xuất.
Theo chuyên gia này, dư địa mở rộng tín dụng của năm 2021 vẫn còn khá lớn. Đặc biệt, nếu dịch được kiểm soát tốt, hai lĩnh vực là du lịch và dịch vụ sẽ bật rất mạnh để tăng tốc trở lại.
Nắn vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Năm 2021, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ diễn ra trên toàn cầu. Xu hướng lãi suất rẻ sẽ tiếp tục để kích thích sự phát triển nền kinh tế. Tại Việt Nam, giới chuyên gia kỳ vọng, mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm 0,5%. Dòng vốn rẻ được kỳ vọng sẽ chảy vào các kênh đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Mặc dù rủi ro khách hàng vẫn được các ngân hàng nhận định cao hơn so với các năm trước, song đã giảm nhiều so với năm 2020.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tín dụng năm 2021 sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh cùng khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và thế giới, hiệu quả của vắc-xin cũng như khả năng phân phối vắc-xin. Tuy nhiên, nhiều khả năng, tín dụng năm nay sẽ tốt hơn năm 2020. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn với dịch bệnh và khả năng chống chịu các cú sống cũng ngày càng tốt hơn.
Được biết, từ cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng các lĩnh vực ưu tiên. Dự kiến, năm 2021, việc “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng sẽ tiếp tục diễn ra nếu dịch bệnh được kiểm soát. Cũng như năm 2020, dòng tín dụng vẫn tiếp tục được NHNN kiểm soát chặt chẽ.
Dù vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, một trong những điều kiện để các ngân hàng có thể tăng tín dụng là NHNN sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian áp dụng. Bởi nếu không được tiếp tục cơ cấu nợ, các ngân hàng buộc phải giảm cho vay và tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, với vai trò chu chuyển vốn trong nền kinh tế, chính sách tín dụng được điều hành theo phương châm mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; điều hành tín dụng gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ kênh tín dụng ngân hàng.
Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn, đối tượng chính sách, hỗ trợ giảm nghèo; tín dụng ngày càng hướng đến khu vực kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thống đốc cũng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nên xóa bỏ dần room tín dụng
Tín dụng năm 2021 nên tăng 14-15% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi từ từ sau khủng khoảng. NHNN cũng nên nghiên cứu xóa bỏ dần room tín dụng, chuyển sang các hình thức quản lý tín dụng tích cực hơn, ví dụ như quản lý bằng các chỉ tiêu an toàn hệ thống, hoặc hệ số an toàn vốn (CAR) và các chỉ số an toàn thanh khoản khác. Hình như, trên thế giới, chỉ còn Việt Nam áp dụng biện pháp “cấp phép” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này. Đồng thời, nên tiếp tục cải cách thế chế, đặc biệt là điều hành các công cụ chính sách theo cơ chế thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng