|
Rửa tiền là việc bọn tội phạm chuyển những khoản thu nhập phi pháp có nguồn gốc từ buôn lậu, ma túy, mua bán vũ khí, trốn thuế, tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ… vào hệ thống tài chính để biến thành những khoản thu nhập hợp pháp. Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển những khoản tiền hợp pháp để phục vụ cho những mục đích bất hợp pháp, như tài trợ khủng bố, cũng được xem là hành động rửa tiền.
Theo nghiên cứu của Zippia, khoảng 300 tỷ USD được rửa qua các ngân hàng Mỹ mỗi năm. Trên phạm vi toàn cầu, con số này nằm trong khoảng 800 triệu USD - 2.000 tỷ USD, chiếm từ 2 - 5% tổng GDP toàn cầu.
Chỉ riêng năm 2020, số tiền phạt các ngân hàng vi phạm rửa tiền trên toàn cầu lên đến 10,4 tỷ USD. Capital One là ngân hàng Mỹ bị phạt tới 390 triệu USD vì không báo cáo vô số các giao dịch.
Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê ước tính tổng số tiền bọn tội phạm thu nhập phi pháp là bao nhiêu và bao nhiêu tiền trong số đó đã được rửa qua hệ thống ngân hàng. Trong những năm gần đây, lực lượng công an đã khởi tố nhiều đại án liên quan đến đường dây đánh bạc từ vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng, khởi tố hàng loạt những đại án tham nhũng “nghìn tỷ”… nhưng số tiền thu hồi không đáng kể bởi phần lớn số tiền tham nhũng có thể đã được tẩu tán ra nước ngoài bằng nhiều cách, trong đó không loại trừ khả năng chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng.
Bài viết không nhằm “vẽ đường cho hươu chạy” mà muốn chỉ ra những kẽ hở của các phương thức thanh toán và quy trình, quy định của ngân hàng mà bọn tội phạm có thể lợi dụng, đồng thời đề xuất các giải pháp ngăn chặn những giao dịch rửa tiền. Ngày 15/11/2022, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, với hiệu lực áp dụng từ ngày 1/3/2023. Hy vọng trong chừng mực nào đó, bài viết có thể đóng góp vào Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.
Phương thức thanh toán nào cũng có kẻ hở để bọn tội phạm lợi dụng rửa tiền
Theo quy định về quản lý ngoại hối, khi thực hiện thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ, ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra những chứng từ sau: giấy phép nhập khẩu (nếu là loại hàng hóa phải có giấy phép), hợp đồng nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ, vận đơn, tờ khai hải quan (bằng chứng hàng hóa đã được giao và thông quan) và các chứng từ liên quan khác. Tuy nhiên, thực tế nghiệp vụ thanh toán xuất nhập khẩu cho thấy, tại thời điểm thanh toán, việc nhà nhập khẩu có thể cung cấp đầy đủ các chứng từ theo yêu cầu như trên hay không còn tùy thuộc vào phương thức thanh toán nhà nhập khẩu đã thỏa thuận trong hợp đồng với nhà xuất khẩu nước ngoài.
Với phương thức thanh toán trả tiền sau khi nhận hàng (open account), tại thời điểm thanh toán nhà nhập khẩu có thể cung cấp đầy đủ các chứng từ theo quy định nhưng với các phương thức còn lại như ứng trước tiền hàng (advance payment), nhờ thu chứng từ (documentary collection) hay thư tín dụng (letter of credit), tại thời điểm thanh toán nhà nhập khẩu không thể cung cấp đầy đủ các chứng từ, đặc biệt là tờ khai hải quan do chưa làm thủ tục nhận hàng.
Ứng trước tiền hàng là một trong những điều kiện mua bán bình thường trong thương mại quốc tế. Các ngân hàng thường không cho vay để trả trước tiền hàng nhưng nếu khách hàng chuyển tiền thanh toán bằng vốn tự có thì ngân hàng không có lý do gì để từ chối.
Với phương thức ứng trước tiền hàng (advance payment), khi chuyển trả tiền ứng trước, nhà nhập khẩu được ngân hàng yêu cầu cung cấp các chứng từ: giấy yêu cầu chuyển tiền, bản sao hợp đồng nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ và giấy cam kết bổ sung chứng từ sau khi nhận hàng gồm hóa đơn, vận đơn và tờ khai hải quan.
Kẽ hở của phương thức này chính là “giấy cam kết bổ sung chứng từ”. Bọn tội phạm dưới vỏ bọc của nhà nhập khẩu có thể cấu kết với đối tác xuất khẩu ở nước ngoài (thực tế là đồng bọn của chúng) ký kết hợp đồng nhập khẩu với điều kiện thanh toán ứng trước tiền hàng và mặc dù có cam kết cung cấp sẽ bổ sung cho ngân hàng chuyển tiền hóa đơn, vận đơn và tờ khai hải quan nhưng sau khi ngân hàng thực hiện chuyển tiền chúng không cung cấp như cam kết hoặc biến mất. Bọn chúng có thể thực hiện thủ thuật này nhiều lần trước khi ngân hàng phát hiện và từ chối thực hiện những lệnh chuyển tiếp theo.
Phương thức nhờ thu chứng từ theo hình thức trả ngay (D/P) hay trả chậm (D/A) cũng có kẽ hở để bọn tội phạm lợi dụng, đó là ngân hàng thu hộ (collecting bank) thực hiện thanh toán theo chỉ thị của ngân hàng chuyển chứng từ và trên cơ sở bộ chứng từ nhờ thu mà không yêu cầu nhà nhập khẩu cam kết sẽ bổ sung tờ khai hải quan nên bọn tội phạm có thể lợi dụng kẽ hở này để rửa tiền bằng cách cấu kết với đồng bọn ở nước ngoài dưới vỏ bọc của nhà xuất khẩu xuất trình những bộ chứng từ nhờ thu giả mạo nhưng chúng luôn sẵn sàng chuyển tiền thanh toán ngay đối với bộ chứng từ nhờ thu D/P hoặc chấp nhận đối với bộ chứng từ nhờ thu D/A để nhận chứng từ. Dĩ nhiên, không có chuyện bọn chúng đi nhận hàng bởi bộ chứng từ bao gồm vận đơn là giả mạo.
Vì những bộ chứng từ nhờ thu thanh toán bằng vốn tự có của khách hàng, ngân hàng không cần quan tâm kiểm tra xem thử khách hàng có nhận hàng hay không nên đây chính là kẽ hở để bọn tội phạm lợi dụng để rửa tiền mà không bị phát hiện. Để tránh bị ngân hàng nghi ngờ, bọn tội phạm thường giả mạo những bộ chứng từ nhờ thu có giá trị nhỏ vài chục ngàn USD trở lại nhưng thường xuyên lặp lại với một vài đối tác xuất khẩu “truyền thống”.
Với phương thức thanh toán bằng thư tín dụng cũng vậy, kẽ hở chính là ngân hàng phát hành thư tín dụng thực hiện thanh toán khi nhận được chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản của thư tín dụng mà không yêu cầu khách hàng cam kết cung cấp bổ sung tờ khai hải quan sau khi nhận hàng. Lợi dụng kẽ hở này, bọn tội phạm vẫn có thể cấu kết với nhau để thực hiện những giao dịch “ma” và xuất trình những bộ chứng từ giả mạo dù chứng từ có phù hợp hay không phù hợp với các điều kiện và điều khoản của thư tín dụng.
Trong các phương thức thanh toán, thư tín dụng là công cụ được bọn tội phạm rửa tiền ưa thích sử dụng nhất là vì có thể thực hiện những giao dịch “ma” với giá trị hàng triệu USD ít bị nghi ngờ và có thể qua mặt cả ngân hàng và cơ quan pháp luật. Thủ thuật xuất trình chứng từ giả mạo theo thư tín dụng để rửa tiền hoặc lừa đảo các ngân hàng tài trợ khá phổ biến trên thế giới, nổi bật nhất là vụ Solo Industries năm 1999 đã khiến nhiều ngân hàng lớn bị lừa từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu USD.
Một trong những yếu tố hấp dẫn của thư tín dụng đối với bọn rửa tiền là ngân hàng chỉ căn cứ vào chứng từ chứ không căn cứ vào hàng hóa hay dịch vụ mà chứng từ có liên quan (Điều 4 UCP 600), tức là ngân hàng sẽ thanh toán khi nhận được chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản của thư tín dụng, chứ không chờ khi hàng hóa đến rồi mới thanh toán. Ngân hàng cũng không chịu trách nhiệm về sự giả mạo của chứng từ (Điều 34 UCP 600). Đối với thư tín dụng thanh toán bằng vốn vay, ngân hàng có thể tham gia can thiệp vào một số điều khoản nhằm tránh rủi ro cho khách hàng và gián tiếp là tránh rủi ro cho ngân hàng. Ngoài ra, sau khi cho vay thanh toán thư tín dụng, ngân hàng còn theo dõi, kiểm tra hàng hóa… Tuy nhiên, với thư tín dụng thanh toán bằng vốn tự có và ký quỹ 100%, ngân hàng thường chỉ tư vấn chứ không can thiệp vào nội dung và cũng không theo dõi, kiểm tra xem thử nhà nhập khẩu đã nhận hàng hay chưa và cũng không yêu cầu nhà nhập khẩu bổ sung tờ khai hải quan.
Một cách rửa tiền khác được bọn tội phạm lợi dụng và hiệu quả cũng không kém, đó là sử dụng các công cụ bảo lãnh của ngân hàng như thư tín dụng dự phòng (standby letter of credit) hoặc bảo lãnh ngân hàng (bank guarantee) trong các nghiệp vụ bảo lãnh dự thầu (bid guarantee), bảo lãnh thanh toán (payment guarantee), bảo lãnh thực hiện hợp đồng (performance guarantee), bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước (advance payment guarantee)…
Dưới đây là một vài ví dụ về khả năng các công cụ bảo lãnh của ngân hàng được bọn tội phạm lợi dụng để rửa tiền:
Lợi dụng bảo lãnh thực hiện hợp đồng
Bọn tội phạm dưới vỏ bọc của nhà xuất khẩu cấu kết với đối tác nhập khẩu ở nước ngoài (thực tế là đồng bọn của chúng) ký kết hợp đồng xuất khẩu với điều kiện nhà nhập khẩu phải cung cấp một bảo lãnh ngân hàng trị giá 10% giá trị hợp đồng cho người hưởng là nhà nhập khẩu để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng. Nhà xuất khẩu sẵn sàng ký quỹ 100% để ngân hàng phát hành bảo lãnh. Khi đến hạn giao hàng, nhà xuất khẩu cố tình không thực hiện giao hàng để ngân hàng thanh toán bảo lãnh cho nhà nhập khẩu. Như vậy, số tiền bảo lãnh được chuyển ra nước ngoài bề ngoài có vẻ rất hợp pháp.
Lợi dụng bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước
Bọn tội phạm dưới vỏ bọc của nhà nhập khẩu cấu kết với đối tác xuất khẩu ở nước ngoài (thực tế là đồng bọn của chúng) ký kết hợp đồng nhập khẩu với điều kiện nhà nhập khẩu ứng trước tiền hàng cho nhà xuất khẩu, đổi lại nhà xuất khẩu cung cấp một bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước. Với hợp đồng này, bọn tội phạm thông qua ngân hàng có thể chuyển trả tiền ứng trước cho đồng bọn của chúng ở nước ngoài một cách hợp pháp và có thể yêu cầu ngân hàng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước. Bằng cách này, tiền bẩn có thể được rửa đến hai lần.
Rửa tiền có thể được thực hiện thông qua những giao dịch “ma”. Tuy nhiên, để tránh bị ngân hàng nghi ngờ, bọn tội phạm có thể thực hiện những giao dịch có thật nhưng thủ đoạn tinh vi hơn bằng cách nâng giá (over – invoicing) hoặc hạ giá (under – invoicing) những loại hàng hóa hay dịch vụ khó định giá chính xác. Số tiền chênh lệch với giá thực tế chính là số tiền được rửa.
Những thủ thuật, phương thức thanh toán trên đây cũng có thể được bọn tội phạm sử dụng để rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng trong nước. Những giao dịch rửa tiền này khó bị phát hiện bởi ngân hàng không đòi hỏi người chuyển tiền phải xuất trình các chứng từ chứng minh hàng hóa đã được giao.
Một số biện pháp phòng, chống rửa tiến
Đề xuất với ngân hàng
Bảo đảm hồ sơ chuyển tiền, thanh toán tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối và phòng, chống rửa tiền
Ngoài những biện pháp phòng, chống rửa tiền mà Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 yêu cầu các tổ chức tài chính phải thực hiện như nhận biết khách hàng, cập nhật và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, các ngân hàng tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán cần rà soát quy trình và kiện toàn quy trình nội bộ về phòng, chống rửa tiền và “bịt kín các kẽ hở” của các quy trình tài trợ thương mại, chuyển tiền và thanh toán quốc tế nhằm ngăn chặn bọn tội phạm lợi dụng để rửa tiền. Theo đó, đối với hồ sơ thanh toán hoặc chuyển tiền đi nước ngoài, khách hàng phải cung cấp đầy đủ các chứng từ theo quy định, bao gồm hợp đồng, hóa đơn, vận đơn và tờ khai hải quan dù được thực hiện theo bất kỳ phương thức thanh toán nào: ứng trước tiền hàng, thanh toán sau khi giao hàng, nhờ thu chứng từ hay bằng thư tín dụng.
Đối với phương thức thanh toán ứng trước tiền hàng, khách hàng phải có cam kết bổ sung chứng từ bao gồm vận đơn và tờ khai hải quan sau khi nhận hàng.
Đối với phương thức nhờ thu chứng từ và thư tín dụng, khách hàng phải có cam kết bổ sung tờ khai hải quan sau khi nhận hàng.
Ngân hàng có chương trình phần mềm theo dõi, nhắc nhở khách hàng bổ sung đúng hạn. Trường hợp khách hàng cố tình không bổ sung và có dấu hiệu đáng ngờ rửa tiền, ngân hàng cần xác minh và báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định.
Tra cứu vận đơn, kiểm tra tính xác thực của vận đơn
Đối với các giao dịch nhờ thu hoặc thư tín dụng có dấu hiệu đáng ngờ, ngân hàng nên tra cứu vận đơn hay kiểm tra tính xác thực của vận đơn liên quan để đảm bảo vận đơn là có thật, không giả mạo, qua đó cũng biết được thông tin về lô hàng, lộ trình đi của con tàu…
Có thể kiểm tra vận đơn trên trang web của hãng tàu phát hành vận đơn hoặc một số trang web cung cấp dịch vụ tra cứu vận đơn bằng cách nhập số vận đơn và/hoặc số container. Đối với vận đơn phát hành bởi công ty kinh doanh vận tải không sở hữu tàu NVOCC (95% vận đơn giả mạo bị phát hiện là do các công ty này phát hành), ngân hàng có thể xác thực sự tồn tại của vận đơn với Phòng hàng hải quốc tế - IMB (International Maritime Bureau), một bộ phận của Phòng Thương mại quốc tế (ICC).
Nhận biết khách hàng và đối tác liên quan
Khi phát sinh giao dịch chuyển tiền, nhờ thu, thư tín dụng và các giao dịch tài chính khác như bảo lãnh, thư tín dụng dự phòng, đặc biệt là các giao dịch có giá trị lớn bất thường, ngân hàng phải thực hiện các nguyên tắc: (i) nhận biết khách hàng, bao gồm cả đối tác của khách hàng, các ngân hàng liên quan; (ii) nhận biết nguồn gốc tiền của khách hàng; (iii) nhận biết diễn biến hoạt động tài khoản của khách hàng; (iv) xác định dấu hiệu đáng ngờ và thực hiện báo cáo theo quy định.
Tăng cường kiểm tra nội bộ
Kiểm tra nội bộ của ngân hàng cần tăng cường kiểm tra định kỳ hồ sơ các giao dịch chuyển tiền, thanh toán quốc tế nhằm đảm bảo các hoạt động của ngân hàng tuân thủ quy trình nội bộ của ngân hàng và Luật phòng, chống rửa tiền.
Đề xuất đối với Nghị định/Thông tư hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền 2022
Bên cạnh rửa tiền thông qua các giao dịch chuyển tiền thanh toán quốc tế, bọn tội phạm cũng thường sử dụng các tài khoản ngân hàng mở tại nhiều ngân hàng khác nhau trong nước để rửa tiền bằng cách chuyển qua chuyển lại nhiều lần trong thời gian ngắn. Vậy, ngoài việc các ngân hàng thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước các giao dịch đáng ngờ theo quy định của Luật, phòng chống rửa tiền, nên chăng Nghị định và/hoặc Thông tư hướng dẫn cần quy định cho phép các ngân hàng chia sẻ dữ liệu và thông tin các giao dịch đáng ngờ trên một nền tảng thông tin chung do Ngân hàng Nhà nước xây dựng và quản lý để giúp các ngân hàng phát hiện và ngăn chặn kịp thời những giao dịch