Không phải ngẫu nhiên mà các ngân hàng ngoại lại đẩy mạnh mảng cho vay tiêu dùng. Thực tế, tăng trưởng tín dụng đang khó khăn do doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, thị trường bất động sản cũng trầm lắng. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng từ dân cư lại đang tăng, nhất là khi du lịch đã vào "mùa". Sau giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh, các quốc gia mở cửa trở lại, người dân có mong muốn đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. HSBC Global Research xếp Việt Nam vào top 5 quốc gia châu Á có dự báo tăng trưởng thị trường tiêu dùng nhanh nhất trong giai đoạn 2021-2030, do sở hữu nhóm dân số có thu nhập trên 20 USD/ngày (tính theo sức mua ngang giá - PPP) và tầng lớp trung lưu cao, có các cá nhân thu nhập khoảng 50-110 USD/ngày mỗi năm dự báo sẽ tăng bình quân 17%.
Tuần qua, phát biểu trước Quốc hội về điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng xuất khẩu thì lúc này cần hướng đến khai thác thị trường nội địa 100 triệu dân. Về chủ trương, chính sách, việc NHNN ba lần điều chỉnh lãi suất điều hành là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất, kích cầu tín dụng. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM phân tích, những yếu tố này trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất và tạo thanh khoản, dòng tiền để doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh. Đơn cử, như TP.HCM dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn sẽ tăng trưởng khoảng 5,87% trong quý II, cao hơn mức 0,7% của quý đầu năm nay; điều này khẳng định kinh tế tăng trưởng trở lại là cơ sở, nền tảng cho các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng tín dụng. Qua đó cho thấy mối quan hệ tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế là điều kiện thuận lợi mở rộng cho vay.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang suy giảm, cần dựa nhiều vào thị trường nội địa, trong đó việc giảm thuế VAT là một giải pháp hữu hiệu để kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng không nằm ngoài mục tiêu này.
Về dư địa tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Maybank Investment Banking kỳ vọng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong vòng ba tháng tới, do những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế vẫn còn mặc dù lạm phát được kiểm soát.
Nếu lãi suất điều hành hạ thêm 0,5% trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất chính sách sẽ trở về thời điểm trước ngày 23/9/2022 (thời điểm tăng lãi suất điều hành), một thời kỳ ổn định kéo dài nhiều năm trước đó. Các mức lãi suất điều hành trong giai đoạn đó được áp dụng như sau: Lãi suất tái cấp vốn 4%/năm, lãi suất tái chiết khấu 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng 5%/năm; Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, hạ lãi suất là mong muốn của các doanh nghiệp, nhưng NHNN cũng đã phát đi thông điệp hạ lãi suất điều hành phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và ổn định hệ thống ngân hàng. Theo HSBC, trong tháng 5/2023 chi phí xây dựng và vật liệu tăng 1%, chi phí vận chuyển giảm 3% so với tháng 4; lạm phát toàn phần giảm 2,4% so với 12 tháng trước đó. Lạm phát dịu xuống là một trong những nguyên nhân NHNN cắt giảm lãi suất điều hành như vừa qua. “Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn cao (chưa có dấu hiệu chuyển biến) duy trì ở mức 4,5% chạm mức trần mục tiêu đã đề ra cho năm 2023, trong khi chặng đường từ nay đến cuối năm còn dài, cần theo dõi chặt chẽ”, HSBC khuyến nghị.
Theo Thời báo Ngân hàng