Dịch COVID-19 khiến nhiều hàng hóa nông sản tồn đọng, giá cả giảm sâu

NHVN 15:36 25/06/2021

Thống kê của Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, tình hình dịch COVID-19 ở trong nướ diễn biến nhanh, phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang mức thấp.

Điển hình như một số loại nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang tồn đọng với số lượng lớn. Trong đó, sản phẩm khoai lang tím nhật đang tồn đọng với sản lượng gần 8.500 tấn do chủ yếu thương lái không thu mua hoặc thu mua rất ít.

Trong thời gian tới, một số sản phẩm sẽ vào vụ thu hoạch như: ớt với sản lượng thu hoạch đến cuối vụ ước đạt hơn 32.00 tấn; cá tra, basa với sản lượng ước đạt gần 184.600 tấn; lúa với sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn...

Tại tỉnh Đắk Lắk, một số hợp đồng xuất khẩu nông sản bị hủy hoặc tạm ngừng với đối tác nước ngoài và một số nước nhập khẩu nông sản có yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với sản phẩm nông sản.

Ảnh minh họa



Tuy nhiên, hiện nay năng lực xét nghiệm của tỉnh chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Đồng thời chưa có quy chuẩn, quy trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản.

Ngoài khó khăn như nêu ở trên, một số trái cây giảm giá trong thời gian dài đặc biệt là xoài giảm giá mạnh, bơ Boot trái vụ đã rớt giá mạnh, trước đây trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, trong vụ vừa qua có thời điểm xuống còn 6.000 đồng/kg, nguyên nhân giảm là do cung vượt cầu, thiếu nhà máy chế biến sâu.

Cây dứa, trước đây giá bán xô khoảng 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện nay giá xuống thấp còn khoảng 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID 19, người dân hạn chế tiêu dùng, việc vận chuyển tiêu thụ khó khăn…

Tương tự, một số mặt hàng nông sản (như lúa, ớt...) tại Hà Tĩnh đến mùa thu hoạch thương lái ở các tỉnh phía Bắc không thu mua được khiến giá ớt liên tục giảm, một số mặt hàng khó vận chuyển ra khỏi vùng dịch, lượng thương lái thu mua ít so với các năm trước.

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu khó khăn, sức tiêu thụ chậm, giá bán một số mặt hàng giảm như giá tôm hiện đã giảm 10 - 15% so với năm 2019 và giảm 20% so với tháng 2/2021…, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý tái đầu tư sản xuất nuôi trồng.

Còn tại tỉnh Long An, từ đầu tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đây cũng là mùa thu hoạch rộ của các loại trái cây Việt Nam nên các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh giá rất thấp.

Cụ thể, giá mua thanh long ruột đỏ tại kho xuất đi khoảng từ 9.000-15.000 đồng/kg tùy loại 2, 3; giá thu mua tại vườn từ 3.000-5.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng tại kho tại khoảng 9.000-12.000 đồng/kg, tại vườn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.

Kênh tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch, hệ thống phân phối ít so với sản lượng sản xuất.

Giá mua chanh khoảng 5.000 - 6.500 đồng/kg; giá xuất khẩu bình quân 8.000 đồng/kg. Thị trường xuất khẩu chủ yếu Trung Quốc, Singapore, Trung Đông, Dubai….

Giá thu mua dưa hấy tại ruộng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg chưa phân loại, giá thu mua tại kho giao động từ 4.000-6.000 đồng/kg theo loại. Đối với dưa hấu hiện nay chủ yếu tiêu thụ trong nước thị trường chủ yếu là TP HCM và Hà Nội.

Tuy nhiên, từ 1/7, TP HCM sẽ áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển, doanh nghiệp khai tại Hải quan TP HCM chi phí bằng 1/2 so với doanh nghiệp khai Hải quan tại các tỉnh khác (khai tại Hải quan TP HCM chỉ đóng phí hạ tầng 250.000 đồng, còn khai tại tỉnh, thành phố khác 500.000 đồng), việc này có thể ảnh hưởng đến quá tải đối với Hải quan TP HCM khi doanh nghiệp muốn giảm chi phí vận chuyển.

Kinh tế Chứng Khoán Việt Nam

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/dich-covid-19-khien-nhieu-hang-hoa-nong-san-ton-dong-gia-ca-giam-sau-96605.html

Bạn đang đọc bài viết Dịch COVID-19 khiến nhiều hàng hóa nông sản tồn đọng, giá cả giảm sâu tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn