World Bank: Khủng hoảng y tế do COVID-19 mang lại nhiều thách thức mới cho Việt Nam

NHVN 10:03 26/05/2020

Với những quan ngại về kinh tế và y tế trên toàn cầu đang gia tăng, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo World Bank, COVID-19 là một cú sốc khổng lồ, tàn phá xã hội và nền kinh tế trên toàn thế giới thường theo những cách gia tăng lẫn nhau. Hầu hết các quốc gia đều đang rơi vào suy thoái và dự kiến sẽ chưa thể phục hồi trước cuối quý 3 năm 2020, nhưng sự phục hồi hy vọng sẽ gia tăng mạnh mẽ trong suốt năm 2021.

Trên toàn thế giới, các nhà kinh tế liên tục điều chỉnh những dự báo kinh tế của mình để phản ánh chính xác hơn tác động tiêu cực đang gia tăng của đại dịch trên toàn cầu, và Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động này bằng những tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ tài chính vô cùng cần thiết.

Theo World Bank, Việt Nam dự kiến sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh đại dịch tiếp tục lây lan trên toàn cầu. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh đó, các dự báo kinh tế cho Việt Nam đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Sự bùng phát của dịch COVID-19 cho đến nay đã được ngăn chặn tại Việt Nam thông qua việc kết hợp các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát thông minh. Tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 3,0% vào năm 2020, vẫn tích cực so với khu vực và quốc tế nhưng đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1986.

Theo báo cáo cập nhật về COVID-19 của World Bank, Việt Nam dự kiến sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh đại dịch tiếp tục lây lan trên toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn sẽ đi kèm với giảm thu ngân sách và thu từ xuất khẩu. Về xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán sẽ bị ảnh hưởng do xuất khẩu (ròng) thấp hơn trong một số dịch vụ nhất định, đi kèm với sự sụt giảm của kiều hối cũng như dòng vốn FDI.

Do đó, thặng dư tài khoản vãng lai có khả năng giảm khoảng 5% GDP, từ mức 4,5% năm 2019 xuống còn 0,1% vào năm 2020. Tuy nhiên, tác động mang tính hệ quả đến cán cân thanh toán không nhiều với sự suy giảm nhỏ trong dự trữ ngoại hối vào năm 2020, ở mức 78 tỷ USD, cho thấy nguồn vốn đệm mạnh mẽ giúp chống lại áp lực ngày càng tăng đối với nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam. Nỗ lực củng cố tài khóa của chính phủ sẽ tạm thời bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng do COVID 19 gây ra.

Thâm hụt ngân sách chung dự kiến sẽ tăng từ 4,4% trong năm 2019 lên khoảng 5,8% GDP vào năm 2020, chủ yếu là do nguồn thu thuế thấp hơn vì các hoạt động kinh tế dự kiến sẽ suy giảm.

Trên cơ sở ngoại suy từ một nghiên cứu gần đây của IMF đối với một lượng lớn các quốc gia, World Bank ước tính sẽ có sự suy giảm đáng kể trong các hoạt động kinh tế do một cú sốc như đại dịch hiện nay có khả năng làm giảm nguồn thu thuế xuống hai lần - có nghĩa là mức giảm 3,5% trong tăng trưởng GDP có thể dẫn đến giảm 7% nguồn thu thuế hoặc tương đương với khoảng 1,2% GDP .

Mức thu ngân sách giảm này cần được tính cộng thêm với chi phí liên quan đến gói hỗ trợ tài chính mà các cơ quan chức năng đang xem xét. World Bank hy vọng chính phủ sẽ quay trở lại chính sách tài khóa thận trọng sau hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhờ đó thâm hụt ngân sách nói chung sẽ giảm xuống lần lượt 4,7% và 4,0% GDP vào năm 2021 và 2022.

Mặc dù vậy, thâm hụt dự kiến gia tăng sẽ làm ngân sách bị thiếu khoảng 5 tỷ USD vào năm 2020. So với các dự báo trước khủng hoảng, chính phủ sẽ cần đảm bảo có thêm 1,8% GDP cho nguồn vốn đầu tư mới, làm nợ công tăng từ 54,1% lên 55,8% GDP trong các năm 2019 và 2020. Vì chính phủ sẽ tiếp tục củng cố tài khóa vào năm 2021, quỹ đạo nợ sẽ được duy trì bền vững trong trung hạn.

World Bank cho rằng, Việt Nam cần tránh một cuộc suy thoái kinh tế sâu và kéo dài vì nó có thể gây thiệt hại lâu dài. Chu kỳ kinh tế thường xuyên xuất hiện, ngay cả trong nền kinh tế thị trường.

Nếu đỉnh của chu kỳ không quá cao, mọi thứ sẽ trở lại bình thường khi nền kinh tế trở lại xu hướng dài hạn. Nhưng suy thoái sâu và kéo dài hơn có khả năng làm xói mòn nguồn nhân lực và suy yếu các thể chế.

Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước có thể phải đối mặt với những thách thức về thanh khoản trong ngắn hạn. Vì hầu hết các giải pháp là hoãn nộp thuế trong vài tháng tới, cơ quan quản lý thuế sẽ thu hồi nguồn thu thuế này trước cuối năm nay.

Trong những điều kiện này, chi phí tài chính chỉ đơn giản là chậm nộp thuế, có thể ước tính lên đến khoảng 3,6 nghìn tỷ đồng (190 triệu USD) với giả định tỷ lệ chiết khấu là 3,6% (là lãi suất đối với trái phiếu Kho bạc hiện nay).

Tuy nhiên, do quy mô của số thuế được nộp chậm lớn, chính phủ có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản trong ngắn hạn, lên đến khoảng 241,8 nghìn tỷ đồng (10,3 tỷ USD).

Theo World Bank, Việt Nam cần bù đắp số tiền thiếu hụt tạm thời này bằng quỹ dự phòng ngân sách hàng năm (tương đương khoảng 5% ngân sách nhà nước) và cũng rất có thể được bổ sung bằng nguồn vốn vay ngắn hạn.

Theo Nhà Đầu Tư

Link gốc : https://nhadautu.vn/world-bank-khung-hoang-y-te-do-covid-19-gay-ra-se-mang-lai-nhieu-thach-thuc-moi-cho-viet-nam-d37806.html

Bạn đang đọc bài viết World Bank: Khủng hoảng y tế do COVID-19 mang lại nhiều thách thức mới cho Việt Nam tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Nhiều doanh nghiệp đã trải qua thời kỳ “đóng băng”, đến nay vẫn khó khăn do hàng tồn kho nhiều, không có nhu cầu vay vốn, dẫn đến tiền ứ đọng tại các ngân hàng thương mại.