Tiền đồng khó mất giá mạnh dù còn chịu áp lực

Theo TBKTSG 12:44 01/06/2020

Tiền đồng đang được hỗ trợ bởi lạm phát giảm, dự trữ ngoại tệ dồi dào và sự linh hoạt của NHNN trong việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của thị trường...

Tỷ giá đã có xu hướng giảm trong nửa đầu tháng 5. Ảnh minh họa: TTXVN

Xu hướng tăng đầu tháng

Cặp tỷ giá USD-VND đã có những phiên giảm trong tháng 5, đặc biệt trong nửa đầu tháng, với mức giảm từ 23.475 đồng/đô la tại thời điểm cuối tháng 4 về mức thấp nhất 23.275 đồng/đô la trong trung tuần tháng 5.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn tại Ngân hàng HSBC Việt Nam, việc tiền đồng tăng giá so với đồng đô la trong tháng 5 diễn ra trong bối cảnh xu hướng lạm phát hạ nhiệt, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào, đặc biệt cùng với việc NHNN đã hạ giá niêm yết bán xuống mức 23.650 đồng/đô la kể từ ngày 24-3, cùng cam kết sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của thị trường đã cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, từ đó củng cố niềm tin thị trường và đưa tỷ giá vào quỹ đạo ổn định hơn.

“Tính chung trong năm tháng đầu năm, tiền đồng mất giá tương đương 1%, so với giai đoạn cuối tháng 3 khi có lúc tỷ giá tăng lên ngưỡng đỉnh 23.650 đồng/đô la tương đương mức mất giá 2%, đã cho thấy sự hồi phục đáng kể của đồng nội tệ”, ông Khoa phân tích.

Nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực, tiền đồng cũng thể hiện vị thế của mình khi tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền mất giá ít nhất so với đô la Mỹ, ví dụ đồng nhân dân tệ (CNY) với mức mất giá 2,42%, đô la Singapore (SGD) (-5,45%), hay rupiah của Indonesia (-5,55%), baht của Thái (-5,71%), won của Hàn Quốc (-6,91%)…

Ông Khoa cho rằng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, kéo theo những biến động khó lường trên thị trường tài chính thế giới nói chung, Việt Nam tiếp tục thể hiện bộ mặt tích cực không chỉ gián tiếp qua các dự báo về kinh tế vĩ mô mà trực tiếp phản ánh trên diễn biến của tỷ giá. Đây tiếp tục là tiền đề kích thích thu hút thêm nguồn vốn FDI trong tương lai gần, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19.

Áp lực mất giá

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam.

"Mặc dù áp lực mất giá trong năm nay là lớn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và đồng bạc xanh mạnh hơn, tuy nhiên kịch bản tiền đồng mất giá mạnh là khó lặp lại"

Dù tỷ giá đã có xu hướng giảm trong nửa đầu tháng, trước áp lực đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá mạnh tuần vừa qua, tiền đồng đã ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại từ đầu tuần đã bật tăng mạnh. Trong đó, Vietcombank điều chỉnh tăng thêm 50 đồng cả ở hai chiều mua vào - bán ra trong ngày đầu tuần (25-5) so với phiên đóng của của tuần trước đó, ở mức 23.190 và 23.400 đồng/đô la. Trong sáng nay (29-5), giá mua vào và bán ra đã giảm nhẹ xuống 23.170 và 23.380 đồng/đô la.

Tỷ giá trung tâm từ đầu tuần được NHNN điều chỉnh từ 23.257 đồng/đô la từ hôm thứ 2 lên 23.270 đồng/đô la trong ngày thứ 3 và sáng nay đã giảm xuống 23.261 đồng/đô la.

Theo ông Khoa, nếu tính riêng trong tuần cuối tháng 5, tỉ giá USD-VND cũng có áp lực tăng trở lại. Cụ thể, cặp tỷ giá đã tăng nhẹ vượt mức 23.300 trên thị trường liên ngân hàng, trong khi tỷ giá trung tâm cũng được NHNN điều chỉnh tăng.

“Lý giải cho diễn biến này có thể đến từ những áp lực từ việc đồng NDT mất giá mạnh trong tuần vừa qua. Trong ngày 25-5, Trung Quốc đã thiết lập tỷ giá tham chiếu NDT hàng ngày ở mức thấp nhất kể từ năm 2008 sau khi giá giao dịch đồng tiền này chạm mức thấp nhất trong 7 tháng tại thị trường nội địa vào thứ sáu tuần trước (22-5), giữa lúc căng thẳng với Mỹ ngày càng gia tăng”, ông Khoa nhận định.

“Với việc Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và đồng NDT nằm trong rổ tiền tệ ấn định tỷ giá trung tâm, tỷ giá USD-VND đứng trước áp lực tăng. Tuy nhiên, biên độ tăng giá không chứng kiến quá nhiều biến động khi lượng cung-cầu trên thị trường cân bằng cũng như yếu tố nội tại được duy trì ổn định.”

Với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam cũng như các nước khác đang đối mặt với những khó khăn trong việc khởi động và phục hồi nền kinh tế.

Theo đánh giá của ông Khoa, mặc dù Việt Nam nằm trong nhóm những nước kiểm soát tốt dịch bệnh và quay trở lại trạng thái “bình thường mới” sớm nhất trong khu vực, nền kinh tế đã chịu những thiệt hại nặng nề, phản ánh qua các chỉ báo kinh tế vĩ mô trong quí 1. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang, cả về khía cạnh thương mại lẫn chính trị, tiếp tục dẫn đến những bất ổn trong việc đưa thương mại trở lại vị thế như trước kia và đặt ra những thách thức cho bài toán tăng trưởng kinh tế. Việt Nam, với nền kinh tế mở, sẽ chịu nhiều áp lực từ nhu cầu sụt giảm không chỉ trong nước mà đặc biệt là từ phía các đối tác thương mại nước ngoài.

Bên cạnh đó, với việc đồng NDT liên tục mất giá mạnh thời gian qua cũng tạo ra những áp lực về yếu tố cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nhất định. Với nỗ lực cải thiện thặng dư cán cân thương mại trong những năm gần đây cùng với việc thúc đẩy thu hút vốn đầu tư từ khối FDI, NHNN đã gia tăng được đáng kể dự trữ ngoại hối, đạt mức 84 tỉ đô la tính đến tháng 4 năm nay. Mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục này đã tạo điều kiện để tiền đồng duy trì được sự ổn định trong thời gian qua.

Khó lặp lại kịch bản tiền đồng mất giá mạnh

Nếu như nhìn lại trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009 tiền đồng mất giá mạnh, thì những năm gần đây đồng nội tệ chỉ trượt giá bình quân khoảng 2% trong 2017-2018 và ổn định xuyên suốt năm 2019. Mặc dù áp lực mất giá trong năm nay là lớn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và đồng bạc xanh mạnh hơn, tuy nhiên kịch bản tiền đồng mất giá mạnh là khó lặp lại. Với chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt cùng với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, NHNN sẽ đủ khả năng để ổn định tỷ giá, từ đó kiểm soát lạm phát và góp phần tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

“Một thị trường ngoại hối ổn định cũng sẽ tạo nhiều điều kiện để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI tích cực hơn nữa cũng như giúp NHNN điều hành lãi suất theo hướng hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng hồi phục và tăng trưởng trở lại”, ông Khoa nói.

Theo TBKTSG

Link gốc : /tien-dong-kho-mat-gia-manh-du-con-chiu-ap-luc

Bạn đang đọc bài viết Tiền đồng khó mất giá mạnh dù còn chịu áp lực tại chuyên mục Tiền tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiền tệ
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực: Các ngân hàng hỗ trợ 30.000-34.000 tỷ đồng cho khách hàng, doanh nghiệp trong dịch Covid-19, thông qua việc giãn nợ, hạ lãi suất... ước tính giảm lợi nhuận khoàng 25%.