Bác được cháu ngoại của Các Mác dẫn dắt vào nghề báo
Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, tuy vốn ngôn ngữ tiếng Pháp chưa đủ để viết báo nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự học tiếng Pháp. Tại đây, ngày 18/6/1919, Người đã ký tên Nguyễn Ái Quốc khi gửi Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam tới Hội nghị Versailles. Bản yêu sách được báo “Dân Chúng” và báo “Nhân Đạo” đăng lên.
Bởi vậy, khi Người đến cám ơn báo “Dân Chúng” được ông Jean Longuet - cháu ngoại của Các Mác (Karl Marx), chủ bút báo “Dân Chúng” mời cộng tác các tin tức thuộc địa cho báo. Người còn được ông Marcel Cachin, chủ bút báo “Nhân Đạo”, mời cộng tác. Ngoài ra, Người cũng được ông Gaston Monmousseau, chủ bút báo “Đời sống Thợ thuyền” chỉ dẫn cho cách viết báo. Những bài viết của Người sau đó đã được đăng. Từ những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, Người viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo. Ảnh tư liệu lịch sử |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo. Theo thống kê, Người có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh. Trong số này, 2/3 được Người sử dụng trong các tác phẩm báo chí của mình. Người viết báo đầu tiên bằng tiếng Pháp, tiếp tục bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, rồi sau đó mới viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt. Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Người đã nói những lời giản dị mà thấm thía: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp cho ra đời 9 tờ báo: “Người Cùng Khổ” (1922); “Quốc tế Nông dân” (1924); “Thanh Niên” (1925); “Công Nông” (1925); “Lính Kách Mệnh” (1927); “Việt Nam Tiền Phong” (1927); “Thân Ái” (1928); “Đỏ” (1929); “Việt Nam Độc Lập” (1941); “Cứu Quốc” (1942). Riêng tờ “Người Cùng Khổ”, Người vừa là chủ nhiệm đồng thời là chủ bút, hoạ sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo...
Chuyện nhuận bút của Bác
Lúc còn hoạt động cách mạng ở nước ngoài, những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo cánh tả ở Pháp là các báo ngân quỹ ít ỏi nên hầu như không có nhuận bút nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, ban ngày Người đi làm, tối tham gia mít tinh, biểu tình, vận động cách mạng, đêm lại vẫn ngồi cặm cụi viết báo.
Cuối năm 1924, khi từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), Người vẫn tiếp tục cộng tác, viết bài cho một số tờ báo ở Liên Xô, trong đó có cả Tạp chí Rabotnhitxa, một tạp chí dành cho phụ nữ. Sau đây là bức thư Người gửi cho tạp chí:
“Gửi Ban biên tập Tạp chí Rabotnhitxa
Quảng Châu ngày 12 tháng 11 năm 1924
Các nữ đồng chí thân mến,
Khi tôi còn ở Quốc tế Cộng sản, tôi rất phấn khởi được đôi lần cộng tác với tờ báo của các đồng chí. Nay tôi muốn tiếp tục sự cộng tác ấy. Nhưng vì ở đây hoạt động bất hợp pháp, cho nên tôi gửi bài cho các đồng chí dưới hình thức “Những bức thư từ Trung Quốc” và ký tên một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng làm như vậy những bài viết có tính độc đáo hơn và phong phú hơn với độc giả, đồng thời cũng bảo đảm giấu được tên thật của tôi.
Xin các đồng chí gửi đều đặn cho tôi không chỉ riêng báo của các đồng chí, mà cả những sách báo Nga mà phụ nữ và thiếu nhi có thể ưa thích, bởi vì ở đây còn phải làm nhiều việc vận động phụ nữ và thiếu nhi, nhưng các đồng chí của chúng ta ở đây lại chưa có đủ tài liệu huấn luyện và tuyên truyền. Về phần tôi, tôi hứa sẽ cung cấp cho các đồng chí tin tức về phong trào phụ nữ ở phương Đông nói chung và ở Trung Quốc nói riêng.
Nếu phải trả tiền đặt mua các báo mà các đồng chí đã gửi cho tôi, xin các đồng chí cứ giữ lại tiền thù lao các bài báo tôi viết để trả.
Xin các đồng chí nhận lời chào cộng sản của tôi.
Nguyễn Ái Quốc”
Giáo sư Hoàng Chí Bảo từng kể rằng: Bác viết nhiều bài báo cho báo Nhân dân, nhưng chúng ta vì ngưỡng mộ Bác, thần thánh Bác quá nên ngại chuyện trả tiền cho Bác. Hồi bấy giờ là những năm 60, Bác gọi điện cho Tổng Biên tập báo “Nhân Dân” hỏi: “Thế chú quên Bác rồi à? Bác viết cho các chú nhiều như thế mà không trả nhuận bút cho Bác là thế nào?”. Tổng Biên tập vội vàng xin lỗi Bác: “Cháu xin lỗi Bác, Bác tha lỗi cho chúng cháu. Nhưng ngày nào anh em chúng cháu cũng nhắc nhau là Bác Hồ của chúng ta vĩ đại lắm, Bác không biết tiêu tiền đâu”. Bác cười: “Sao chú lại nghĩ vậy? Bác có vĩ đại gì đâu. Bác cũng bình thường như chú, như mọi người thôi. Thôi trả tiền cho Bác đi”. Sau đó, Bác đã nói với Tổng Biên tập Báo “Nhân Dân” rằng: “Thôi, dù sao chú cũng xin lỗi rồi nên Bác cho qua, nhưng Bác dặn các chú một câu, với dân các chú không được thế”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo “Nhân Dân”. Ảnh tư liệu lịch sử. |
Mùa hè năm 1967, Bác nhìn thấy các chiến sĩ trọng liên 14,5mm trực chiến trên nóc hội trường Ba Đình trong cái nắng hầm hập như thiêu như đốt. Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ - thư kí của Người:
- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì sao chịu được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.
Vậy là người thư ký mẫn cán của Bác lên nóc hội trường thăm anh em chiến sĩ. Nghe đồng chí Vũ Kỳ về báo cáo là chiến sĩ bị thiếu nước uống, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Người, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu. Đồng chí Vũ Kỳ báo cáo:
- Thưa Bác, còn lại tất cả 25.000 đồng.
Cũng cần nói thêm rằng, số tiền này rất lớn, tương đương với khoảng 60 lượng vàng. Đây không phải là lương, vì lương Chủ tịch nước của Bác chỉ vừa đủ tiêu. Số tiền này là nhuận bút mà các báo trả cho Bác. Bác liền bảo:
- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: “Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!”.
Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần!
Bác đặt lại tên cho một tờ báo
Từ ngày giải phóng Hà Nội (10/10/1954), đã có những tờ báo hàng ngày của Thủ Đô lần lượt được mang tên: “Hà Nội Hàng Ngày”, “Thủ Đô Hà Nội”, “Thời Mới”. Khi Thành uỷ và UBND thành phố Hà Nội có chủ trương hợp nhất 2 tờ “Thủ Đô” và “Hà Nội Hàng Ngày”, lãnh đạo thành phố cũng như Ban Tuyên giáo Thành uỷ cứ loay hoay không biết đặt tên báo là gì cho thích hợp. Biết tin đó, một buổi sáng sau khi đọc một lượt các báo hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cầm tờ báo “Thủ Đô” để cạnh tờ báo “Hà Nội Hàng Ngày”, cho hai tờ báo liền kề nhau rồi nói với lãnh đạo thành phố: “Tên báo của các chú đây”. Lúc đó, bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trực tiếp nghe ý kiến này của Người rất mừng, sau 2 tờ hợp nhất mang tên: “Thủ Đô Hà Nội”.
Xuất bản được một thời gian, lãnh đạo thành phố lại có chủ trương sát nhập tờ “Thủ Đô Hà Nội” và tờ “Thời Mới” (Báo tư nhân, do Hiến Nhân chủ bút) làm một. Nhưng mọi người vẫn băn khoăn chưa biết lấy tên báo mới ra sao? Hôm ấy, đồng chí Lê Hưng được phụ trách báo “Thủ Đô Hà Nội” đi họp giao ban ở Vụ báo chí về kể với anh em trong tòa soạn: “Mừng quá, các anh ở Vụ báo chí cho biết, Bác lại đặt hai tờ báo “Thủ Đô Hà Nội” và “Thời Mới” kề nhau, lấy tay bịt chữ Thủ Đô và chữ Thời đi. Thế là báo ra mang tên “Hà Nội Mới”.
Theo TT Tài chính Tiền tệ