Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, những tháng đầu năm 2020 thế giới có nhiều xung đột và khó khăn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam không chỉ khống chế dịch thành công mà nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Có được điều đó là nhờ Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHNN đã có nhiều giải pháp chia sẻ khó khăn với người dân và DN, cũng như tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo thanh khoản trong nền kinh tế.
Xuất khẩu đã khởi sắc hơn trong tháng 5 |
Cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, song theo Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) Covid-19 là cú sốc toàn cầu, mang tính cấu trúc chứ không phải tạm thời và cục bộ. Bởi vậy hơn lúc nào hết, các DN trong nước rất cần sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ từ Chính phủ, từ ngành Ngân hàng. Do vậy, ông đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, trong đó chú trọng hai vấn đề: Thứ nhất, cần quan tâm hỗ trợ dòng tiền để giúp DN tái khởi động lại cỗ máy kinh doanh; Thứ hai, ưu tiên cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn, giảm lãi cho các khoản vay. Song điều quan trọng hơn là tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện cho DN... Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tái đào tạo, đào tạo, tích lũy nguồn vốn con người nhằm tạo thế cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu đòi hỏi mới của nền kinh tế.
Đóng góp thêm về giải pháp phát triển kinh tế thời gian tới, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, khi kinh tế suy giảm, nguyên lý cơ bản là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công và tăng cung ứng vốn để kích thích nền kinh tế tăng cung. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm cả cung và cầu đều suy giảm, nên việc nới lỏng mỗi chính sách cần phải có liều lượng phù hợp. Phải đặt ra ngưỡng trần không được vượt qua; đồng thời phải lường trước các rủi ro để điều hành và đặc biệt để thúc đẩy sản xuất phục hồi. Song cần phải quay về câu hỏi kinh điển là sản xuất gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai…
Phân tích sâu hơn về các chính sách, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, để đảm bảo dòng tiền cho DN vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021. Bởi giãn thuế thường có hiệu quả tức thời và để khắc phục khó khăn tạm thời thường hiệu quả hơn miễn thuế và không làm giảm thu ngân sách. Trong khi cũng cần lưu ý nới lỏng chính sách tiền tệ, phải kiểm soát được các chỉ số an toàn nợ của ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu quá mức và phải kiểm soát được lạm phát.
Hàng loạt các ý kiến khác cũng cho rằng, một vấn đề lớn hiện nay là dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi sản xuất có thể kéo dài nhiều năm. Vì vậy để lấp đầy lỗ hổng của chuỗi sản xuất, ngoài việc thu hút, chọn lọc FDI, phát triển kinh tế tư nhân thì cần tính đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại DNNN ở hai khía cạnh: Một là, do phải đầu tư vào các lĩnh vực, các thành phần kinh tế khác không làm. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay cần phải nhìn nhận khách quan về hiệu quả đầu tư của DNNN, không thể đòi hỏi lợi nhuận, hệ số sử dụng vốn như trong các điều kiện bình thường khác.
Hai là, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải coi là cơ cấu lại danh mục Nhà nước đầu tư, nên tiền thu được ngoài việc nộp ngân sách để chi đầu tư, cần phải dành nguồn cho đầu tư mở rộng DNNN, kể cả thành lập mới để hoạt động trong các lĩnh vực các thành phần khác không làm.
Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đề nghị Chính phủ cần tận dụng “khoảng lặng” rà soát chính sách để tiếp kiệm chi và kiểm soát đầu tư công của năm 2020 khoảng 700.000 tỷ một cách hiệu quả.
Ở góc nhìn của mình, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP. Hà Nội) cho biết, Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như là một kỳ tích trong chống dịch Covid-19. Chính mỗi người Việt Nam, mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta cũng đang tự hào suy ngẫm về điều kỳ diệu đó và tự hỏi làm thế nào để hậu Covid-19 trong 10 năm tới, chúng ta có thể viết lên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam cũng kỳ diệu như chúng ta đã chiến thắng Covid, như chúng ta đã chiến thắng Điện Biên Phủ được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Ông cho rằng, chính ngành công nghiệp văn hóa cùng công nghiệp dược, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch, ông tạm gọi chung là "kinh tế văn xã" là những nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn, rất hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, là bệ đỡ, động lực bền vững để đất nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
“Kinh tế văn xã" có thể là một khái niệm, cách gọi mới nhưng thực tế đây là một lĩnh vực mà nước ta có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, có khả năng xã hội hóa cao, huy động được nguồn lực lớn của xã hội và của quốc tế… Nhưng lâu nay chúng ta chưa đầu tư khai thác và phát huy được nhiều. “Vì vậy tôi thiết tha đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế văn xã là trụ cột, làm khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch kinh tế - xã hội 10 năm tới và những năm tiếp theo”, ông Hưng phát biểu.
Theo Thời báo Ngân hàng