Tìm lối đi đúng cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

NHVN 17:54 14/08/2021

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ.

Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến nhất định, hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, Việt Nam cần hoạch định các chính sách đồng bộ để ngành CNHT phát triển hơn nữa, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Bài toán khó

Bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) đánh giá, năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành CNHT của Việt Nam chưa đạt yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi. Trong khi với xu hướng chuyển dịch trên toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.

Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu của kinh tế Việt Nam: nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; CNHT kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu (mà việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây), khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp. Do các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật, quy mô hoạt động nhỏ lẻ, do đó sản phẩm CNHT thường đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp và có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Trong khi đó sự xuất hiện của các tập đoàn lớn trên thế giới tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp thuộc ngành (CNHT) trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, tận dụng được cơ hội này hay không lại là bài toán không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp đây là cơ hội nhưng không dễ nắm bắt.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phảm của mình tới các nhà đầu tư

Hoạt động trong lĩnh vực CNHT được gần 10 năm, nhưng anh Nguyễn Văn Việt - đại diện một có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội cho biết: Không dễ dàng để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chứ chưa nói gì đến các tập đoàn lớn như SamSung, LG hay Canon, Honda...

Lý do anh Nguyễn Văn Việt đưa ra là, các tập đoàn này đòi hỏi rất cao về chất lượng, chủng loại và cả tiến độ sản xuất, thời gian giao hàng. Đặc biệt, do đòi hỏi của thị trường, sản phẩm công nghiệp nói chung và sản phẩm CNHT nói riêng cũng liên tục thay đổi mẫu mã để đáp ứng nhu cầu đổi mới. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước với số vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu khó mà đáp ứng yêu cầu đổi mới liên tục được để chen chân được vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn.

“Thành ra, cơ hội thì có, nhưng đáp ứng được để tham gia vào chuỗi hay không lại là câu chuyện khác”, anh Nguyễn Văn Việt thông tin thêm.

Còn dưới góc độ là người mua hàng, trao đổi với PV, ông Võ Trung Chính, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh linh kiện phụ tùng của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của Thaco dao động từ 15 - 60% tuỳ theo loại xe ô tô. Bên cạnh việc tự cung cấp, Thaco cũng đang phải mua nhiều loại linh phụ kiện khác từ bên ngoài hệ sinh thái của mình.

Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp CNHT Việt Nam, ông Chính thẳng thắn cho rằng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng, giá cả cạnh tranh đang là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp.

"Bên cạnh nâng cao chất lượng, doanh nghiệp CNHT cần phải cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, từ đó sản phẩm mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác, cũng như các loại linh kiện, phụ tùng nhập từ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...", ông Chính nói.

Định hướng phát triển Ngành CNHT đến năm 2025 của Chính phủ

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển sản xuất, xuất khẩu, nhưng ngành (CNHT) chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2021 sẽ chú trọng thực thi các dự án sản xuất hàng phụ trợ, tạo năng lực và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ôtô...

Tập trung rà soát các dự án sản xuất, tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu

Chính vì vậy, khi dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nguồn cung chủ yếu từ Trung Quốc bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp Việt có xu thế quay trở lại tìm kiếm đối tác là các nhà sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm phụ trợ trong nước thay thế nhằm tiết kiệm chi phí, chủ động thời gian, nâng cao chất lượng. “Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển, trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Hơn nữa, hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi đã và đang tạo điều kiện cho dòng vốn chuyển dịch từ các nước về Việt Nam mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Rất nhiều DN “đổ” vào nước ta để tiếp cận những ưu đãi về thuế quan và đầu tư từ FTA.

Bộ Công Thương thông tin thêm, các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam đã chủ động tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất, chuyển hướng sang sản phẩm CNHT. Hơn nữa, thời gian qua, doanh nghiệp ngành CNHT không ngừng nỗ lực đổi mới, hướng đến nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2021 sẽ tập trung rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Theo đó, hướng tới mục tiêu, năm 2030 sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp sẽ triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho 2 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, Cục sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch làm việc với một số địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp để hướng dẫn triển khai các chính sách phát triển công nghiệp.

Song song với đó, Cục Công nghiệp phối hợp với các đơn vị phụ trách thị trường khu vực và các thương vụ tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối và đẩy mạnh chuỗi sản xuất toàn cầu, khai thác tốt các FTA.

Nghị quyết 115 đã đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành CNHT, đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới của đất nước.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/tim-loi-di-dung-cho-nganh-cong-nghiep-ho-tro-36499.html

Bạn đang đọc bài viết Tìm lối đi đúng cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành