Cần có giải pháp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực tiễn

NHVN 11:11 09/08/2021

Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn, TP Hà Nội tạo nguồn vaccine tiêm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động phục vụ sản xuất.

Đó là những ý kiến tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cộng đồng DN được Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) gửi tới Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương ngày 8/8.

Đại đa số DN nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP tạo điều kiện cho các DN hoạt động và phát triển trong thờì gian qua.

Dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khiến cho kinh tế - xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chịu ảnh hưởng rất nặng nề (số DN này chiếm 98,2%). Bên cạnh đó, luôn nhận được sự đồng hành của Chính phủ, TP Hà Nội do đó tăng trưởng kinh tế Thủ đô 6 tháng năm 2021 đạt 5,62% rất đang khích lệ, ghi nhận những đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, Ngoài ra, vừa giữ sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch, cộng đồng DN đã ủng hộ chương trình phòng chống Covid–19 hàng trăm tỷ đồng, thể hiện sự trách nhiệm xã hội vì sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đất nước.

Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Các DN đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm. Tuy nhiên, dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa, từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.

Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn về tài khoá, tiền tệ… Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020... Có thể nói, đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm qua do ảnh hưởng của Covid-19, các DN khó có lợi nhuận nên chính sách này chưa đi vào thực tiễn của DN.

Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid-19 được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Kết quả cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN, nhất là DNNVV. Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN…

Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Đa số các DN đánh giá, các chính sách được ban hành là hữu ích nhưng còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả. các gói chính sách về tài khoá phản ứng khá nhanh và được áp dụng ngay. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì vẫn phải nộp.

Các gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì vẫn phải nộp.

Tác động của dịch Covid -19 đến DN là rất khó khăn theo kết quả khảo sát nhanh của các sở, ngành đối với gần 1.500 DN trên địa bàn TP trong tháng 6/2021 cho thấy: 57,10% DN trả lời hoạt động cầm chừng; 38,97% DN đang hoạt động bình thường; 2,61% DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1,41% DN hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh. Phần lớn các khó khăn là không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do bị ắc tách tại khâu lưu thông, vận chuyển; thiếu nguyên vật liệu đầu vào; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch; khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Mới đây Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động, đây là đòn bẩy để hỗ trợ cho DN tạo điều kiên cho người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ trong giai đoàn khó khăn này.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/can-co-giai-phap-de-cac-chinh-sach-ho-tro-dn--36306.html

Bạn đang đọc bài viết Cần có giải pháp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực tiễn tại chuyên mục Điều hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Điều hành