Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mới như: Bổ sung giải thích thuật ngữ “tái phạm”, quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, sửa đổi, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính… Vì vậy, các nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (được quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP) phải được cập nhật, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14.
Ảnh minh họa |
Cũng theo NHNN, sau hơn một năm triển khai thực hiện thi hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định 88), bên cạnh những hiệu quả đạt được, Nghị định 88 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế trong công tác thực thi như: Một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đòi hỏi phải rà soát để bổ sung, cập nhật, sửa đổi các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính còn thấp, chưa mang tính răn đe…
Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là cần thiết nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật tiền tệ và ngân hàng nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn.
Xử phạt hành vi vi phạm hành chính có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Dự thảo Nghị định bổ sung nội dung về xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, cụ thể: Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyết định mức phạt tiền, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn căn cứ theo đề xuất của người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc xác định mức phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm hành chính có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định bổ sung một điều về vi phạm hành chính trong cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (đã được sửa đổi, bổ sung). Cụ thể, bổ sung Điều 14a vào sau Điều 14 như sau:
Vi phạm quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về mức cho vay tiêu dùng tối đa đối với một khách hàng.
Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ.
Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a- Không ký kết hợp đồng về việc mở điểm giới thiệu dịch vụ; b- Hợp đồng về việc mở điểm giới thiệu dịch vụ không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan và thời hạn hiệu lực hợp đồng; c- Thực hiện hoạt động tại điểm giới thiệu dịch vụ không đúng quy định pháp luật.
Theo Kinh tế chứng khoán