Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Thủ tướng giao cho NHNN chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thời gian thực hiện là năm 2021- 2023.
Đây là một trong những giải pháp để xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển thành Chính phủ số trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Chiến lược cũng đề cập đến 1 số nhiệm vụ khác nhằm nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ cốt lõi. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thúc đẩy, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở phục vụ Chính phủ số.
Việt Nam sẽ xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) |
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có thể đi tắt đón đầu như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data)...
Trước đó, NHNN từng khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam
Do chưa có bất kỳ quy định chính thức nào, tiền ảo là một loại tài sản ảo và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo. Bộ Tài chính đã lập một tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo.
Trên thế giới hiện cóc khoảng 3.000 loại tiền ảo tồn tại trên thị trường. Trong đó, 5 đồng tiền mã hoá có vốn hoá cao nhất và được giao dịch nhiều nhất trên thị trường là Bitcoin, Ethereum (ETH), Binance Coin, XRP và Tether.
Ở Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang phát triển nhân dân tệ kỹ thuật số, hay còn gọi là tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC), nhằm mục đích thay thế các loại tiền mặt đang lưu thông.
Hiện tại, Trung Quốc đang đẩy mạnh thử nghiệm lưu hành đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến.
Mặc dù hiện tại nhân dân tệ kỹ thuật số được tập trung phát triển ở thị trường Trung Quốc và việc sử dụng quốc tế “không phải là ưu tiên trước mắt”, nhưng trên thực tế, PBOC đã bắt đầu đặt nền móng cho các giao dịch xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số quốc gia. Tháng trước, PBOC cùng với các ngân hàng trung ương Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hồng Kông xây dựng một dự án thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số, với tham vọng đạt được quyền kiểm soát các tiêu chuẩn quốc tế và cuối cùng là quốc tế hóa nhân dân tệ.
Theo Doanh nhân Việt Nam