Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) - 60 năm vẻ vang, đổi mới và phát triển

Lưu Văn Bính 15:39 18/04/2023

Ngày 19/4/1963, Chính phủ đã ra Quyết định số 52 chia 3 huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu thành 7 huyện: Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong.

Nằm ở phía tây bắc tỉnh Nghệ An, huyện Tân Kỳ được bao bọc bởi dãy núi Pù Loi, Pù À và dãy Bồ Bồ hùng vĩ, lại có Lèn Rỏi, Lèn Voi, sông Con, vực Rồng và hệ thống hang động Thung Khiển tạo nên một vị thế phòng thủ kín đáo, vững chắc. Với vị trí địa lý ấy, Tân Kỳ đã trở thành địa bàn chiến lược quan trọng – là vùng đất đã 3 lần được chọn làm hậu cứ trong những thời điểm khó khăn nhất của các thời kỳ lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc…

Những năm tháng gian lao mà anh dũng

Ngày 19/4/1963, Chính phủ đã ra Quyết định số 52 chia 3 huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu thành 7 huyện: Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Với riêng huyện Tân Kỳ, ngày đầu mới thành lập, huyện có 13 xã - trong đó 3 xã được tách ra từ huyện Anh Sơn, 10 xã còn lại được tách ra từ huyện Nghĩa Đàn. Qua quá trình xây dựng và phát triển đến nay toàn huyện đã có 22 xã, thị trấn, 149 khối, xóm, bản với tổng dân số lên tới trên 15 vạn người.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung thăm mô hình sản xuất cây giống ở Tân Kỳ. Ảnh: Phạm Bằng

Sau ngày thành lập huyện Tân Kỳ chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ đã điên cuồng đưa máy bay ném bom đánh phá miền Bắc, trong đó Tân Kỳ cũng hứng chịu. Nhân dân Tân kỳ đã dũng cảm, can trường, bất khuất vừa sản xuất vừa chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ. Trong những năm chiến tranh gian khổ và khốc liệt đó, Đảng bộ, nhân dân Tân Kỳ nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề trên cả hai vai: Vừa xây dựng phát triển, chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa hoàn thành việc chi viện đến mức cao nhất sức người sức của cho các chiến trường. Khẩu hiệu: "Hậu phương thi đua với Tiền phương", "Vững tay cày, chắc tay súng", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" đã thôi thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân Tân Kỳ vượt qua đạn bom, vừa đẩy mạnh sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hàng ngàn người con Tân Kỳ hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Trong đó có 1.286 người con của quê hương Tân Kỳ đã hy sinh anh dũng và trên 1.400 người đã gửi lại một phần xưởng máu của mình trên chiến trường ác liệt.

Những năm chống chiến tranh phá hoại, Tân Kỳ vừa là nơi khởi đầu cho tuyến đường cơ giới chiến lược, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm... và cũng là nơi rèn cán, luyện quân của các sư đoàn chủ lực 316, 324, 304 và 312 trước khi lên đường chiến đấu.

Cũng chính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ấy, mảnh đất Tân Kỳ đã ôm ấp, chở che các trường sư phạm mẫu giáo, sư phạm cấp I, cấp II đào tạo những nhà giáo tương lai cho quê hương miền núi. Chính quyền và nhân dân Tân Kỳ giang rộng vòng tay đón nhận gần 3 vạn đồng bào các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị ra sơ tán và trên 1 vạn nhân dân từ các huyện đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới.

Quê hương Tân Kỳ ngày càng giàu đẹp

Thị trấn Tân Kỳ. Ảnh: T.L

Trong công cuộc đổi mới, Tân Kỳ đã có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng. Từ điểm xuất phát thấp, là một huyện miền núi nghèo, kinh tế chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp, Tân Kỳ đã từng bước vươn lên xây dựng nền sản xuất hàng hóa tập trung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 44,2 triệu đồng, tăng 25,1 triệu đồng so với năm 2015. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả tích cực, dự kiến đến hết năm 2023 toàn huyện có 17/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay toàn huyện đã có 20 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao. Các sản phẩm gạch ngói và vật liệu xây dựng khác tăng nhanh về cả khối lượng và chất lượng, có uy tín đối với khách hàng gần xa.

Từ chỗ cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống giao thông ở vào thế ngõ cụt, thì nay Tân Kỳ đã có mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh đến tận trung tâm các xã, trong đó có 292km đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện cơ bản được nhựa hóa. Đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn đã tạo thuận lợi cho Tân Kỳ thông thương với bạn bè trong cả nước.

Với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên khoáng sản và nguồn lao động dồi dào, Tân Kỳ đang là địa bàn hấp dẫn về đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông - lâm kết hợp. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở Tân Kỳ cũng đạt nhiều thành quả đáng tự hào, tạo nên một bức tranh đa sắc màu của đất và người nơi đây. Ngành giáo dục Tân Kỳ đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, với tỷ lệ 863 trường học đạt chuẩn quốc gia, trở thành điểm sáng của ngành giáo dục đào tạo tỉnh Nghệ An, 8 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh. Ngành y tế Tân Kỳ cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhiều tấm gương y đức đã để lại hình ảnh đẹp về những người thầy thuốc tận tâm chữa bệnh cứu người. Lực lượng vũ trang huyện luôn phát triển, trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được đặc biệt chú trọng. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân trong huyện đoàn kết nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách, xây dựng Tân Kỳ ngày càng đổi mới, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương anh hùng. Ghi nhận những hy sinh và đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ trong 60 năm qua, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện và 7 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Có 49 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVTND Đặng Văn Đài và Anh hùng Lao động Lương Văn Hậu.

Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 60 Năm thành lập huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai. Ông Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Tự hào là những người con của quê hương Tân Kỳ anh hùng, trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 11%/năm; Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, điểm sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư; Tạo điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi, thu hút các nhà đầu về với huyện, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất vật liệu xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số; tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh...".

Theo Dân Việt

Link gốc : https://danviet.vn/huyen-tan-ky-nghe-an-60-nam-ve-vang-doi-moi-va-phat-trien-20230417100844802.htm?fbclid=IwAR2ZQYUCZPrdGD2U7C_4dbzFbTiOPL-XcM5fBD25yfGiaZGI8qvdLznaa5g

Bạn đang đọc bài viết Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) - 60 năm vẻ vang, đổi mới và phát triển tại chuyên mục Điều hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Điều hành
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, dịch vụ ngân hàng bán lẻ sẽ là “át chủ bài” của các nhà băng trong năm nay cũng như thời gian tới để nâng tầm thương hiệu và cải thiện lợi nhuận.