Bộ trưởng Hồ Đức Phước: 'Không vì áp lực thu ngân sách mà gây sức ép cho doanh nghiệp'

NHVN 19:31 29/07/2021

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp đảm bảo trong ngắn hạn hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Chiều 28/7, Quốc hội khóa XV phê chuẩn ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhân dịp này, Bộ trưởng đã dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn.

Hoàn thành cao nhất dự toán thu chi ngân sách nhà nước

Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả của ngành Tài chính trong thời gian vừa qua?

Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khởi sắc trên đà phục hồi từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát và lan rộng ở địa phương, trong đó có các địa phương trọng điểm kinh tế, đông dân cư, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân, nhất là người lao động; tác động lớn đến tình hình thu, chi NSNN.

Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN, tích cực thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển hoạt động kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Nhờ thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN 6 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực. Thu NSNN 6 tháng đầu năm bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh sản xuất – kinh doanh của nhiều DN, hộ kinh doanh còn khó khăn, kết quả thu NSNN 6 tháng nêu trên là tích cực.

Các địa phương cũng đã chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN. Có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; 54/63 địa phương tăng trưởng thu...

Có thể nói, việc đảm bảo thu ngân sách có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực chủ động, sáng tạo của toàn ngành Tài chính, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

Trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đứng trước những áp lực rất lớn, khi vừa đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách để có nguồn chi các khoản theo dự toán và nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Bộ Tài chính sẽ tập trung ưu tiên những giải pháp đột phá nào để thực hiện các nhiệm vụ được giao, thưa Bộ trưởng?

Mặc dù nhiều tổ chức tài chính quốc tế đưa ra dự báo kinh tế nước ta tăng trưởng khá lạc quan trong năm 2021, nhưng bên cạnh những thuận lợi, tăng trưởng kinh tế nước ta trong những tháng cuối năm đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp... Việc ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, kết hợp với thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ góp phần quan trọng, quyết định tới ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, thu NSNN khó khăn sẽ tác động tới chi tiêu chi ngân sách, do đó, Bộ Tài chính phải kiên định mục tiêu thực hiện chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, bên cạnh các giải pháp tăng thu ngân sách, thực hiện triệt để tiết kiệm chi tiêu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính- ngân sách.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngành Tài chính đang tập trung triển khai nhóm 5 trụ cột thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đó là: xây dựng thể chế; quản lý nợ công; quản lý thị trường tài chính; dự trữ quốc gia; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, trong đó chúng tôi đặc biệt lưu ý đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý mà còn là Bộ chính sách. Chính sách tài chính ngoài đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thì vấn đề cốt yếu, trọng tâm là đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, bảo đảm sự an toàn và bền vững của nguồn lực tài chính quốc gia, đảm bảo cho tài chính nhà nước, tài chính DN và tài chính dân cư phát triển mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, ngân sách phát triển bền vững ổn định, giảm nợ công…

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ đã trình Chính phủ ban hành 16 nghị định, xem xét ban hành 6 dự thảo nghị định và 9 đề án khác; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 50 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính – NSNN. Nhiều chính sách liên quan đến miễn, giảm phí, lệ phí tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt có nhiều quy định “mở đường cho sự phát triển và giải phóng nguồn lực” do Bộ Tài chính trình đã được Chính phủ ký ban hành, như: Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công...

Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo chương trình đề ra, trong đó có nhiều đề án quan trọng, như: Chiến lược tài chính đến năm 2030; Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2021-2030; Hoàn thiện Báo cáo Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 7, khóa XII; Kế hoạch vay trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2022, áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; Đề án hoàn thiện thể chế phân cấp NSNN đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tính chủ động của ngân sách địa phương, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập của nền kinh tế. Đồng thời, trong 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính tập trung phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN Quốc hội quyết định; điều hành NSNN chặt chẽ, đảm bảo nguồn chi cho các khoản trong dự toán và các khoản cấp bách phát sinh, nhất là cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng, cách làm sáng tạo, ngành Tài chính sẽ vượt qua mọi thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Bộ Tài chính hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Thưa Bộ trưởng, trong những tháng đầu năm Bộ Tài chính đã nhanh chóng triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, thực thi chính sách tài khóa vì dân trong bối cảnh người dân và DN gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Bộ trưởng có thể nói thêm về vấn đề này?

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mang lại những hệ lụy rất lớn, trong đó có việc thực thi nhiệm vụ của ngành Tài chính. Thu NSNN 4 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán, tuy nhiên từ tháng 5 trở đi số thu đã sụt giảm do dịch bệnh cũng như việc gia hạn nhiều khoản thuế, tiền thuê đất và giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí.

Trong bối cảnh thu ngân sách còn khó khăn, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; khẩn trương ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp về thuế, giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí cho người dân và DN.

Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí. Từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, NSNN đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Trong triển khai thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính luôn sát sao, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai ngay các giải pháp để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho DN và người dân vào cuộc sống. Trong thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chúng tôi tuyệt đối không vì áp lực thu mà gây sức ép cho doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 để huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ vắc-xin đã huy động được trên 8 nghìn tỷ đồng, cùng với kinh phí bố trí từ NSNN, tổng nguồn lực để thực hiện mua vắc-xin phòng Covid-19 khoảng 25 nghìn tỷ đồng, đảm bảo mua đủ 150 triệu liều để tiêm cho 70% dân số cả nước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến căng thẳng, sức chống chịu của DN đang vơi dần, Bộ Tài chính có tính đến việc tiếp tục đề xuất triển khai gói hỗ trợ mới cho DN không?

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động của DN, người dân, từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô...

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành quy định kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với một số giải pháp hỗ trợ chủ yếu đã thực hiện như: tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không; kéo dài thời gian thực hiện việc giảm nhiều khoản phí, lệ phí đến giữa năm 2021.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Trong đó, đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhiều mặt hàng nguyên vật liệu tăng giá mạnh, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước; cũng như kéo dài Chương trình ưu đãi thuế đối với một số DN, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Với quyết tâm đồng hành cùng DN, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của DN, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục cải cách trên mọi mặt như: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN.

Trong thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ DN, người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành, Bộ Tài chính đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Những gói hỗ trợ này đảm bảo trong ngắn hạn hỗ trợ cho người dân và DN, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và quay trở lại DN có đóng góp cho ngân sách một cách bền vững.

Theo TCDN

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khong-vi-ap-luc-thu-ngan-sach-ma-gay-suc-ep-cho-doanh-nghiep-d22944.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Hồ Đức Phước: 'Không vì áp lực thu ngân sách mà gây sức ép cho doanh nghiệp' tại chuyên mục Điều hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Điều hành
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,62% (khu vực thành thị tăng 0,64%; khu vực nông thôn tăng 0,6%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng