Chiều 3/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, trả lời về việc vừa qua cơ quan an ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố và bắt bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng MSB Thanh Xuân chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 bị hại. Vậy bao giờ khách hàng được hoàn lại tiền đã mất? Cá nhân bà Hoài Anh và Ngân hàng MSB phải bồi thường ra sao? Những vụ việc mất tiền trong thời gian vừa qua cho thấy những lỗ hổng, vậy Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để bảo vệ người gửi tiền ra sao? ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Thời gian qua phát sinh câu chuyện tiền trong tài khoản bị mất. Có vi phạm do cá nhân, tập thể hoặc do Ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Tú, nếu nói “lỗ hổng” mang tính chất hệ thống thì không phải, mà chỉ diễn ra ở một số ngân hàng, một số tổ chức đơn vị, hoặc phòng giao dịch, hoặc vi phạm do cơ chế, cách thức quản lý của những đơn vị đó, hoặc do vi phạm tiêu cực của cá nhân cá bộ ngân hàng, hoặc cũng có thể do sự chủ quan, thậm chí có những trường hợp “thông đồng” cùng với cán bộ ngân hàng để tiêu cực, và thậm chí không chỉ lừa nhau mà còn lừa cả ngân hàng.
Ông Tú cho biết thêm, mỗi vụ việc đều được Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm chung đối với tất cả các ngân hàng. Qua đó có chỉ đạo để khắc phục kịp thời. Ở góc độ cơ chế, quy chế, quy định thì Ngân hàng Nhà nước luôn rà soát lại một cách thường xuyên. Từ lâu tất cả các quy định liên quan đến mở tài khoản thanh toán, vấn đề chuyển tiền, vấn đề gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp thì đã được hệ thống các văn bản quy phạm rất đầy đủ. Trong đó, đã xác định đầy đủ rõ ràng quy định về trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong cung ứng dịch vụ liên quan đến mở tài khoản và tiền gửi tiết kiệm của người dân. Bên cạnh đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của những người gửi tiền để đảm bảo quy định được an toàn.
“Có thể nói tất cả hệ thống văn bản quy định. Nhất là năm 2014 đã có Thông tư 23 quy định rất rõ. Sau đó thường xuyên cập nhật bổ sung để quy định phù hợp với thực tiễn trong việc sử dụng các công nghệ tiện ích, giao dịch trực tuyến để mở tài khoản trong chuyển tiền, hoặc gửi tiền tiết kiệm”-ông Tú nói.
Tuy nhiên, ông Tú cũng cho hay, việc triển khai thực hiện các quy định đó của các ngân hàng thương mại bằng các quy định nội bộ, hoặc các quy định riêng của mình trong quản trị hoạt động này của từng ngân hàng thương mại thì việc đó là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Cho nên xảy ra vụ việc như của MSB hiện nay là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại xem đã thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước hay chưa?
“Trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền đã được Chính phủ, các bộ, ngành thể hiện rất rõ ở các quy định để đảm bảo bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền”-ông Tú nói.
Về vụ việc của MSB hiện nay, ông Tú xác nhận đã nhận được báo cáo của Ngân hàng MSB. Vụ việc này không phải do khách hàng phát hiện ra, mà qua giám sát, chính MSB đã phát hiện và chủ động gửi hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra từ tháng 10/2023.
“Để xác định đúng sai, trách nhiệm do đâu phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Nhưng có một nguyên tắc đó là quyền lợi chính đáng của khách hàng luôn được bảo vệ”-ông Tú khẳng định.
Ông Tú cũng lưu ý, ngoài quy định cụ thể các bên là khách hàng- ngân hàng thì khách hàng, các ngân hàng thương mại có cơ chế thông báo kiểm soát số dư tiền gửi của mình trong tài khoản và kiểm tra tài khoản của mình. Chứ không phải gửi tiết kiệm xong đến khi rút tiết kiệm mới quan tâm đến tiền. Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiểm tra hơn nữa. Đồng thời bảo vệ thông tin bí mật trong quá trình sử dụng thẻ, mở tài khoản, giao dịch chuyển tiền, giao dịch thanh toán và gửi tiền tiết kiệm cần bảo mật thông tin.
Theo Đại Đoàn Kết