Mới đây, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) của năm 2019. Đây là lần thứ 7 chỉ số OBI được công bố trên toàn cầu và lần thứ 2 chỉ số MOBI được công bố tại Việt Nam. Hai chỉ số này cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề công khai minh bạch ngân sách cấp quốc gia và cấp bộ, ngành. Mặc dù vẫn có thể cải thiện thêm để thực hiện tốt hơn nữa Luật Ngân sách Nhà nước, nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một bước tiến đáng kể của quốc gia nói chung và các cấp bộ, ngành nói riêng.
Trụ sở của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: VOV.vn |
Cụ thể, kết quả khảo sát OBI 2019 cho thấy thứ hạng của Việt Nam đã được cải thiện ở cả 3 trụ cột: Minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách. Còn kết quả khảo sát MOBI 2019 thể hiện sự tiến bộ trong mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương so với năm 2018. Trong số 44 bộ, cơ quan Trung ương tham gia vào khảo sát MOBI 2019, có một đơn vị duy nhất đạt mức công khai tương đối và 8 đơn vị đạt mức công khai chưa đầy đủ thông tin về ngân sách. Năm 2019, điểm số trung bình của Việt Nam là 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với MOBI 2018. Có 31/44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm khảo sát của kỳ MOBI 2019 (chiếm 70,45%), trong khi con số này vào năm trước chỉ là 17 bộ, cơ quan Trung ương (chiếm 45,95%). Bảng xếp hạng MOBI 2019 ghi nhận NHNN Việt Nam ở vị trí thứ nhất với 73,17 điểm. Đây là đơn vị đạt điểm cao nhất về tính đầy đủ và tính thuận tiện của 5/6 loại tài liệu được công khai, lần lượt là: Dự toán năm 2020, báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý I, 6 tháng, 9 tháng năm 2019 và quyết toán năm 2018.
Ngoài ra, có 24 bộ, cơ quan Trung ương có công khai ít nhất một trong số 6 tài liệu quy định phải công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Có 7 đơn vị chỉ có điểm về tính thuận tiện (tức là có thư mục công khai ngân sách nhưng không có tài liệu kèm theo). Có 18/44 đơn vị công bố dự toán ngân sách đơn vị năm 2020 (chiếm 40,91%), có 17/44 đơn vị công bố quyết toán ngân sách năm 2018 (chiếm 38,64%). Có 8 đơn vị công bố báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý I năm 2019, 10 đơn vị công bố báo cáo tình hình thực hiện dự toán 6 tháng năm 2019, 7 đơn vị công bố báo cáo tình hình thực hiện dự toán 9 tháng năm 2019 và 8 đơn vị công bố báo cáo tình hình thực hiện dự toán năm 2019. Trước đó, NHNN Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính trong 5 năm liên tiếp, từ năm 2015 đến năm 2019. Những con số biết nói này cho thấy ngành ngân hàng đã và đang thực hiện rất tốt việc công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách và hoạt động ngân hàng, qua đó góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Theo QĐND