Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẵn sàng cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế, trường hợp cần thiết sẽ tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại để có nguồn vốn bơm ra thị trường. Tín dụng tăng thấp giúp thanh khoản VNĐ của các ngân hàng đang dồi dào, tạo điều kiện duy trì mặt bằng lãi suất thấp.
NHNN cho biết, đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.
Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thanh khoản ngân hàng hiện khá dồi dào, thậm chí nguồn vốn dư thừa.
Tuy nhiên, theo NHNN, dưới tác động của dịch Covid-19, do cầu tín dụng tăng thấp, đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019 và ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng lên mức 2,13% so với đầu năm nay.
Nhưng nếu so với bình quân 6 tháng của 2019 thì chỉ bằng 1/2 (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng ngành ngân hàng tăng 5,7%), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên theo lãnh đạo NHNN, mức tăng trưởng đó là phù hợp.
Đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.
Lãnh đạo các nhà băng cũng cho hay, nguồn tiền tiết kiệm tiếp tục chảy vào ngân hàng, dù lai suất tiền gửi có xu hướng giảm do ảnh hưởng dịch bệnh tín dụng khó tăng. Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank cho biết, thanh khoản hiện nay khá dồi dào và dư thừa vốn. Một số khoản vay đối với khách hàng doanh nghiệp tại Vietcombank lãi suất cho vay chỉ trên dưới 5%/năm.
Nếu so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm thì lãi suất cho vay của Vietcombank đối với doanh nghiệp ngang ngữa lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cầu vốn khách hàng khó tăng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm. Vả lại, ngân hàng cũng khó hạ chuẩn cho vay, ngược lại còn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu.
Tín dụng của Vietcombank 3 tháng đầu năm tăng trên 2% và là ngân hàng duy nhất trong khối cổ phần có vốn nhà nước tăng trưởng tín dụng dương. Đến hết tháng 5/2020, tín dụng Vietcombank cũng chỉ tăng 3% so với đầu năm nay.
Còn tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng này thông tin, hiện thanh khoản khá dồi dào và Sacombank đang dưa thừa 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng gần 6 tháng của Sacombank tăng 6%. Trong bối cảnh hiện nay theo bà Diễm, cũng không dễ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Nhưng nếu gửi vốn dư thừa trên liên ngân hàng lãi suất thấp, chỉ 0,1%.
Mặc dù thanh khoản dồi dào, nguồn vốn dư thừa, tín dụng khó tăng, song lãnh đạo các nhà băng cho biết, việc giản ngân vốn mới cẩn trọng hơn để ngăn nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh. Các ngân hàng tập trung tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ và tăng trích dự phòng rủi ro.
Sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Đến 8/6/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng cho 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh, nguồn vốn đang dưa thừa, tín dụng khó tăng, hưng không phải vì thế mà hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng trong dịch bệnh.
Trước đó, thông tin được đưa ra theo ước tính của NHNN, trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát trong qúy 1/2020, tỷ lệ nợ xấu (gồm nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9% - 3,2% vào cuối quý 2/2020 và từ 2,6% - 3% vào cuối năm 2020.
Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý 2/2020, tỷ lệ này sẽ ở gần mức 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn. Điều này sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những TCTD yếu kém.
Theo Báo đầu tư