Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Dự thảo, nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 3 nguồn: ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước trên cơ sở kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hàng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật. Đóng góp của doanh nghiệp.
Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung chi, mức chi cụ thể đối với các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: chi xây dựng, duy trì, cập nhật các cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật và cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý được các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật hiện hành.'
Chi xây dựng, biên soạn tài liệu cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện theo quy định về chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Chi tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Chi tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Chi thuê chuyên gia tư vấn pháp luật (không bao gồm cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước) độc lập với cơ quan có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tối đa 1.000.000 đồng/lần (lấy ý kiến bằng văn bản).
Chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện theo mức chi dịch thuật quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.
Chi mua sắm tài sản, trang thiết bị; in và mua các ấn phẩm, sách, tài liệu tuyên truyền thực hiện theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành và phải dược cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này. Theo Dự thảo, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được lập dự toán, quản lý và sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Thông tư này,
Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật về: việc quản lý và sử dụng kinh phí đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm; tính trung thực, chính xác, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan đến sử dụng kinh phí; hạch toán, quyết toán và lưu trữ hồ sơ theo đúng chế độ quy định.