6 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí như: phí tin nhắn SMS, phí chuyển tiền... có thể được xem là một trong những tác nhân giúp thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ 1/4 -31/12/2020 và hoàn phí giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm này có 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí tổ chức tín dụng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ tổ chức tín dụng tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
Phí chồng phí
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn lần 2 gửi đến tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard đề nghị xem xét miễn giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đang phải trả nhiều loại phí đối với 1 giao dịch, vừa thu theo số lượng giao dịch vừa thu theo doanh số giao dịch dẫn đến tình trạng thu phí chồng phí. Đồng thời, mức thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasteCard là rất cao so với mặt bằng phí trong nước, nhất là nếu so với mức thu phí chuyển mạch thẻ nội địa.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, giải pháp Hiệp hội đề nghị Visa và Mastercard là xem xét một số giải pháp trong vòng 12 tháng tới là giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành, áp dụng cơ chế thu 1 loại phí đối với 1 giao dịch và không thu phí đối với giao dịch lỗi.
Về lâu dài, VNBA đề nghị các tổ chức thẻ quốc tế giảm 50% phí xử lý giao dịch trả cổng thanh toán (tương đương còn 0,015 USD/giao dịch), miễn thu các loại phí đăng ký và sử dụng dịch vụ cổng cho đơn vị chấp nhận thẻ, ngân hàng thanh toán và phí bảo trì hàng tháng.
Ngoài ra, VNBA cũng đề nghị Visa và MasterCard đơn giản hóa cơ chế thu phí, có chính sách ưu đãi đối với các giao dịch trong nước đồng thời giảm bớt mức phí.
Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quyết liệt để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc giảm phí (cước) tin nhắn SMS đối với dịch vụ tài chính ngân hàng xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay hoặc bằng mức giá của Vietnammobile (280đ – 400đ/tin nhắn giao dịch tài chính, 500đ/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng).
Ông Nguyễn Trí Hiếu khẳng định kiến nghị miễn, giảm phí Visa và MasterCard là đúng và trúng. Bởi lẽ, ngành Ngân hàng cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, dẫu vậy, toàn ngành vẫn đang quyết liệt thực hiện các giải pháp, trong đó có miễn giảm phí (tin nhắn, chuyển tiền...) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
“Khi các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm phí, thì không có lý gì mà Visa và MasterCard không miễn, giảm phí để hỗ trợ các khách hàng tại Việt Nam”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đồng thời kiến nghị, các cơ quan bộ, ngành như Bộ Tài chính cần phải vào cuộc và lên tiếng mạnh mẽ để yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasterCard thực hiện miễn, giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam. Từ đó, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.