Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép, áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu.
Thông thường, phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp cơ bản như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Trong khi đó, biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.
-- |
Trước bối cảnh thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhất là đối với một số sản phẩm đang trong tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu. Chính phủ kiên quyết ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp; xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong WTO và các FTA đã ký kết.
Bên cạnh đó, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tự bảo vệ mình.
Đầu tiên là nhận thức của các doanh nghiệp về các công cụ phòng vệ thương mại này cần phải được đảm bảo. Doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như là Hoa Kỳ, Canada, EU…và thậm chí cả các nước ASEAN.
Yếu tố thứ hai đó là các doanh nghiệp, các ngành sản xuất cần phải coi các công cụ phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại là những rào cản mà doanh nghiệp có thể phải gặp trong quá trình xuất khẩu để có các phương án dự phòng, ứng phó trong trường hợp gặp phải. Đây là yếu tố rất quan trọng các doanh nghiệp cần tính tới trong chiến lược phát triển sản xuất, phát triển xuất khẩu.
Cùng với đó, khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đầu tiên là Bộ Công Thương, tiếp theo là với cơ quan điều tra của nước ngoài.
Kinh nghiệm cũng như thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, của cả ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với việc điều tra của nước ngoài là yếu tố quyết định trong việc có giảm thiểu được các tác động bất lợi của các biện pháp phòng vệ thương mại hay không.
Về dài hạn, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý những cái vấn đề như là đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Nếu phụ thuộc vào một thị trường, khi bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì tác động có thể sẽ rất lớn và có thể gây thiệt hại hoặc không thể khắc phục được hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cuối cùng, trong quá trình điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại thì các nước nhập khẩu tìm hiểu rất kỹ về nguồn nguyên liệu cũng như nguồn gốc chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Một trong những yếu tố để các doanh nghiệp có thể giảm thiểu được các tác động là phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước…
Thanh Tùng