Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 khiến nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp chống chọi và phục hồi trước khó khăn.
Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, Quyết định nêu rõ, Quý IV năm 2020, hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa KTCN, gồm: Rà soát, cắt giảm tối đa danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, KTCN trước khi thông quan, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại; chỉ KTCN trước thông quan đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mất an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, an ninh quốc gia.
Đánh giá về vấn đề KTCN thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong tổng thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, riêng thời gian doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về quản lý, KTCN chiếm 72%. Do đó, yêu cầu về cải cách quản lý, KTCN là mục tiêu trọng tâm hàng năm của Chính phủ.
Với những chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của Chính phủ, công tác quản lý, KTCN đã đạt được một số kết quả. Tỷ lệ hàng hóa KTCN trong giai đoạn thông quan đã giảm từ 30 - 35% (năm 2015) xuống còn khoảng 19,1% (10 tháng đầu năm 2019). Một số ít bộ, ngành đã triển khai các giải pháp như thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro.
Tuy nhiên, bà Thảo nhấn mạnh, trong 5 năm qua, công tác quản lý, KTCN đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có chuyển biến, nhưng còn chậm và không đồng đều. Nhiệm vụ hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, KTCN đặt ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP cũng như các Nghị quyết phiên họp Chính phủ còn chậm chuyển biến, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng KTCN như yêu cầu của Chính phủ.
Đồng thời, việc cải cách hoạt động quản lý, KTCN theo thông lệ quốc tế như: thay đổi cách thức quản lý nhà nước theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng hình thức kiểm tra tại nguồn; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục trực tuyến qua cơ chế một cửa quốc gia, thực hiện một mặt hàng chỉ qua một đầu mối kiểm tra... còn rất chậm, mới bước đầu thực hiện trên một số ít lĩnh vực...