Ký đưa Kovir vào hướng dẫn điều trị COVID-19 khi chưa có phép, Cục trưởng Y Dược cổ truyền nói gì?

NHVN 09:22 28/07/2021

Ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã ký văn bản đưa viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương vào hướng dẫn điều trị COVID-19 gửi các tỉnh khi TPCN này chưa có giấy công bố

Cục trưởng đưa thực phẩm chức năng vào hướng dẫn điều trị COVID-19 trước 1 ngày có giấy "thông hành" - công dụng điều trị như thuốc
Liên quan đến những lùm xùm về thực phẩm chức năng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương được đưa vào hướng dẫn sử dụng hỗ trợ điều trị COVID-19, gây xôn xao dư luận.

Theo tìm hiểu được biết, trước khi văn bản 5944 của Bộ Y tế ra đời và vừa bị thu hồi thì trước đó 1 tháng (tức ngày 24/6), ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã ký văn bản số 648 gửi Sở Y tế Bình Dương; Đồng Nai, TP HCM với nội dung đề nghị các đơn vị căn cứ hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19, ban hành kèm theo công văn này để hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng cho người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1).

Văn bản do Cục trưởng Thịnh ký không chỉ gây bất ngờ đi ngược lại Luật Dược, Thông tư 05/2016/TT-BYT của Bộ Y tế khi kê “thực phẩm chức năng”, đưa thực phẩm chức năng Kovir từng bị Cục ATTP cảnh báo vào hướng dẫn điều trị cho người bệnh COVID-19 mà còn sử dụng ngôn từ có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực này đó là đánh tráo khái niệm TPCN thành thuốc.

Cụ thể trong văn bản đính kèm công văn số 648 do ông Thịnh ký ghi rõ: Viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương. Trong đó ghi rõ chủ trị: Phòng và điều trị bệnh lý... đối với cả viên nang mềm và viên nang cứng Kovir.

Công văn số 648/YDCT-QLY của Cục Quản lý Y dược cổ truyền – Bộ Y tế ban hành ngày 24/6/2021, trong đó có tên sản phẩm Viên nang mềm và viên nang cứng Kovir ghi rõ là chủ trị.

Nên nhớ viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương chỉ là dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay gọi cách khác là thực phẩm chức năng và vì thế không thể ghi là chủ trị, điều trị bệnh như là thuốc được mà chỉ ghi là công dụng hỗ trợ, tăng cường... Thế nhưng bằng văn bản trên do ông Nguyễn Thế Thịnh ký đã vô tình "hô biến" thực phẩm chức năng Kovir có công dụng như là thuốc.

Bên cạnh đó, văn bản số 648 được ông Thịnh ký ngày 24/6 nhưng phải đến ngày 25/6 sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang cứng Kovir mới được Cục An toàn thực phẩm cấp "Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm" - thủ tục được coi là giấy thông hành đối với bất kỳ loại TPCN nào muốn đưa ra thị trường.

Như vậy, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã ký đưa sản phẩm vào hướng dẫn điều trị COVID-19 trước khi sản phẩm có giấy phép.

Cục trưởng nói "do gấp gáp phòng chống dịch nên nhầm lẫn"
Trả lời trên báo, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền nói rằng: Do gấp gáp phòng chống dịch nên nhầm lẫn khi khuyến cáo dùng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ viên nang cứng Kovir thời điểm chưa được công bố.

Theo ông Thịnh: "Thực ra trước đó có lấy sản phẩm này cho Bắc Giang thực hiện chống dịch COVID-19 trong các trường hợp Bệnh viện dã chiến chứ không phải quyết định đưa vào phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, lúc làm gấp gáp phòng chống dịch nhầm lẫn chút. Đây là sản phẩm đi vận động, đi xin về".

Trước đó, trả lời báo chí ngày 25/7, ông Nguyễn Thế Thịnh, phân trần: Danh sách sản phẩm kể trên nhằm "tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch sản phẩm sử dụng cho người không có triệu chứng hoặc F1, sản phẩm trong danh sách tập hợp các thuốc được tài trợ".

Hình ảnh quảng cáo 2 loại viên nang Kovir của công ty Sao Thái Dương. (Ảnh chụp màn hình).


"Là thuốc đông y, sử dụng không có hại gì nhưng mọi người không hiểu, cứ đưa lên như thế", ông Thịnh trách cứ.

Ty nhiên, rõ ràng, sản phẩm “Kovir”, “Nobel tăng cường miễn dịch” của Công ty CP Sao Thái Dương là thực phẩm chức năng (hay còn gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe) và không có tác dụng như thuốc chữa bệnh nhưng vẫn được đưa vào văn bản hướng dẫn sử dụng của Bộ Y tế.

Chẳng có lẽ, đường đường là Cục trưởng, mà ông Thịnh không phân biệt được đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng?

Có dấu hiệu vi phạm Luật Dược
Tại Khoản 15, Điều 6, Luật Dược năm 2016 quy định: “Những hành vi bị nghiêm cấm: Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh; Điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh; Điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Thông tư 05/2016/TT-BYT của Bộ Y tế cũng quy định rõ: “Cấm người kê đơn kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm”.

Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định việc kê đơn thuốc hóa dược; sinh phẩm trong điều trị ngoại trú (kê đơn thuốc). Theo đó, quy định không được kê vào đơn thuốc các nội dung tại Khoản 15 Điều 6 Luật Dược, như: thực phẩm chức năng; mỹ phẩm; các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh…

Và vì thế việc Cục Quản lý Y dược cổ truyền trực tiếp ban hành hoặc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế ký văn bản “hướng dẫn” và đề nghị các Sở Y tế “mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận” thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu (trong đó có hàng loạt thực phẩm chức năng) để hỗ trợ điều trị cho người mắc COVID-19 là có dấu hiệu vi phạm Luật Dược năm 2016 và các thông tư, văn bản của Bộ Y tế.

Cách phân biệt giữa thuốc đông y và thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng (TPCN) hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể người. Có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể có tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác bao gồm: Thực phẩm bổ sung, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học...

Theo quy định từ Bộ Y tế, thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế.

Thuốc Đông y là thuốc từ dược liệu, được bào chế theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền của các nước phương Đông. Điều này phân biệt rõ ràng với các thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên, từ dược liệu ở tính hiệu quả cũng như mục đích sử dụng.

Để phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc dược liệu không khó. Cách đơn giản và chính xác nhất là dựa vào thông tin bao bì sản phẩm, thực phẩm chức năng trên bao bì sản phẩm luôn thể hiện thông tin “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Theo Sức khỏe cộng đồng online

Link gốc : https://suckhoecongdongonline.vn/ky-dua-kovir-vao-huong-dan-dieu-tri-covid-19-khi-chua-co-phep-cuc-truong-y-duoc-co-truyen-noi-gi-d223232.html

Bạn đang đọc bài viết Ký đưa Kovir vào hướng dẫn điều trị COVID-19 khi chưa có phép, Cục trưởng Y Dược cổ truyền nói gì? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự