Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) vừa chuyển đơn kêu oan và tố cáo của Phan Văn Anh Vũ tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao… cùng nhiều cơ quan, cá nhân.
Lá đơn 30 trang được đánh máy lại từ 64 trang viết tay bị án Phan Văn Anh Vũ viết từ trại giam T16, Bộ Công an.
Phan Văn Anh Vũ bị toà án các cấp tuyên phạt 65 năm tù và có trách nhiệm bồi thường 3.1 ngàn tỉ đồng cho nhà nước.
Phan Văn Anh Vũ tại phiên toà phúc thẩm hồi tháng 5 tại TAND cấp cao tại Hà Nội. Ảnh: PLO |
Trong đơn, Phan Văn Anh Vũ cho rằng Tòa án các cấp đã quy kết Vũ phạm tội theo điều 219 (Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí) và điều 229 (Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai) dù không có chứng cứ vật chất chứng minh có đồng phạm giữa Vũ và các bị cáo khác trong vụ án là “không có căn cứ thuyết phục”.
Đáng chú ý, Vũ cho rằng chủ thể của tội phạm quy định tại hai điều luật nói trên phải là người có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, phải mang quyền lực nhà nước.
“Cá nhân tôi chỉ là người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đồng thời cũng là một công dân bình thường”- Vũ nêu trong đơn kêu oan và cho rằng giả sử Vũ có phạm tội theo Điều 219, 229 thì chỉ với vai trò là “đồng phạm giúp sức”.
Vũ cũng bác bỏ nhận định tại bản án phúc thẩm số 158 của TAND cấp cao tại Hà Nội hồi tháng 5-2020 cho rằng “…. căn cứ vào lời khai của các bị cáo thuộc khối Uỷ ban đều khẳng định bị cáo Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ mật thiết với các lãnh đạo TP. Đà Nẵng….”, rồi từ đó kết luận “Phan Văn Anh Vũ có quyền lực rất lớn”.
“Lời khai chỉ có thể trở thành chứng cứ thuyết phục khi được kiểm chứng hoặc đối chất. Làm sao có thể đối chất các lời khai về sự tồn tại mối quan hệ thân thiết giữa tôi với nguyên cố Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh?” - Vũ nêu.
Cũng theo Vũ, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào ghi nhận ý kiến tư vấn của các bị cáo là lãnh đạo khối Ủy ban về tính hợp pháp, tính hợp lý hay những vấn đề chưa đúng quy định của pháp luật đối với các chủ trương, chỉ đạo (nếu có) của nguyên cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh với mục đích chỉ đạo giải quyết hay hỗ trợ cho Vũ.
Trong đơn, Vũ cũng khẳng định chủ trương bán nhà, đất công sản trong thời gian từ 2006 đến 2014 không phải là chính sách, chủ trương mới có trong giai đoạn này, dành riêng cho giai đoạn này và mục đích áp dụng cũng không phải chỉ để bán nhà công sản cho Phan Văn Anh Vũ mua.
“UBND TP. Đà Nẵng đã bán trên 3.500 nhà, đất công sản từ năm 2002 đến 2016, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo các khoá trước. “Các Chủ tịch TP như ông Huỳnh Năm, ông Hoàng Tuấn Anh, ông Trần Văn Minh, ông Văn Hữu Chiến, ông Huỳnh Đức Thơ đã bán rất nhiều cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu sử dụng…” - Vũ dẫn chứng.
Phan Văn Anh Vũ cũng cho rằng nêu lập luận như cáo trạng và các bản án cho rằng thực hiện theo các chính sách này là phạm tội thì sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người mua khác, cũng như Vũ, vướng vào vòng lao lý.
Vũ nêu câu hỏi: Tại sao hàng trăm, hàng ngàn cá nhân, tổ chức cũng được hưởng chính sách, chủ trương giảm 10% trên tổng số tiền phải nộp khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong vòng 30 ngày lại không bị cơ quan tiến hành tố tụng xử lý hình sự?
Cuối cùng, Vũ cho rằng hành vi của HĐXX cấp sơ thẩm, phúc thẩm có dấu hiệu của tội “ra bản án trái pháp luật” quy định tại điều 370 Bộ luật hình sự 2015. Đồng thời, căn cứ vào điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cần phải kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án số 20 ngày 13-1-2020 của TAND TP. Hà Nội và bản án số 158 ngày 12-5-2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội.
Theo Đức Minh (PLO)