Hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, Big4 ngân hàng thiệt hại ra sao?

Theo Sở hữu Trí tuệ 10:48 04/01/2022

Mảng dịch vụ thanh toán là mảng mang lại hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho nhóm Big4 ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập hoạt động.

Mới đây, 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV và Vietinbank đã đồng loạt công bố chính sách miễn phí giao dịch online cả trong và ngoài hệ thống cho khách hàng từ 1/1/2022

Trước đó, vào tháng 5/2021, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tuyên bố miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước kể cả giao dịch trực tiếp lẫn online nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Như vậy, cả nhóm Big4 ngân hàng đều ngừng thu phí chuyển tiền online áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân. Trong khi một loạt các ngân hàng khác đã miễn phí chuyển khoản từ nhiều năm trước. Điển hình như Techcombank với chính sách 'zero fee' hay mới đây là VPBank, MB và TPBank.

Dịch vụ thanh toán mang về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm tại Big4 ngân hàng

Động thái miễn phí hoàn toàn giao dịch online của Big4 ngân hàng thực sự gây bất ngờ khi dịch vụ thanh toán là mảng mang lại lợi nhuận nghìn tỷ mỗi năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập hoạt động (dao động từ 40 – 79)

Cụ thể, tại Vietcombank, trong 5 năm (2016 - 2020) thu từ dịch vụ thanh toán từ hơn 2.765 tỷ đồng lên hơn 6.017 tỷ đồng, chiếm 57% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, tương đương tăng 118% sau 5 năm.

Tại BIDV, thu từ dịch vụ thanh toán cũng tăng đều qua các năm, từ gần 1.761 tỷ đồng năm 2016 lên gần 3.675 tỷ đồng năm 2020, tương đương tăng 109% sau 5 năm. Tương tự, thu nhập từ dịch vụ thanh toán tại Vietinbank tăng từ 1.618 tỷ đồng năm 2016 lên 3.456 tỷ đồng năm 2020, tương đương tăng 113%.

Còn tại Agribank, năm 2016 ở mức 2.828 tỷ đồng, đến hết năm 2020 ghi nhận hơn 5.335 tỷ đồng, chiếm 67% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, cao hơn cả Vietinbank và BIDV. Như vậy sau 5 năm, thu từ dịch vụ thanh toán tại Agribank đã tăng 89%.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả Big4 ngân hàng không công bố chi tiết khoản thu từ hoạt động thanh toán. Tuy nhiên với tỷ trọng đóng góp dao động 40 – 55% lãi thuần hoạt động dịch vụ, ước tính các ông lớn này có thể thu về khoản lãi thuần 1.500 – 2.500 tỷ từ dịch vụ này trong 3 quý vừa qua.

"Zero fee" một mặt buộc ngân hàng hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, trong khi vẫn phải chịu các chi phí giao dịch liên quan nhưng mặt khác nước đi này lại khiến các khách hàng tích cực mở mới và sử dụng tài khoản thanh toán nhiều hơn so với trước đây.

Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng nhanh chóng tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1%/năm.

CASA là một cấu phần quan trọng trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, chỉ quanh mức 0,2%/năm. Tỷ lệ CASA cũng được xem là một điển hình cho xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại, theo tốc độ chuyển đổi số và đổi thay phương thức thanh toán trong nền kinh tế, bởi nó phản ánh hiệu quả của việc cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng toàn diện, nhất là thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số.

Trên thực tế, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng cao thì càng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay ra cũng như có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Vì thế, cuộc đua CASA ngày một gay gắt hơn.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý 3/2021, tính đến 30/9, lượng tiền gửi khách hàng tại ba ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm đến 45% tổng số tiền gửi khách hàng của nhóm 28 ngân hàng khảo sát.

Trong đó, BIDV là ngân hàng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm 2020. Trong đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn bằng VND đạt 216.079 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA của BIDV tính đến 30/9 đạt 19%

Nguồn: BCTC hợp nhất quý III tại BIDV.

Tiền gửi khách hàng tại VietinBank đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm. Trong đó số dư tiền gửi không kỳ hạn bằng VND đạt 172.640 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm và chiếm khoảng 17% trong tổng số dư huy động. Tỷ lệ CASA của Vietinbank tính đến 30/9 đạt 19%.

Tại quán quân lợi nhuận Vietcombank ghi nhận hơn 1,1 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng 13% đạt hơn 346.860 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA của Vietcombank tính đến 30/9 đạt 31,3%.

Như vậy, tỷ lệ CASA tại 3 ông lớn này thấp hơn khá nhiều so với MB (37%) và Techcombank (49%).

Nguồn: BCTC hợp nhất quý III tại Vietcombank

Nhìn vào thực tế, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên khi các ngân hàng thực hiện miễn phí giao dịch. Về phía ngân hàng, đây là một trong những chính sách nhằm đẩy mạnh kênh ngân hàng số và lượng tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng, nhằm giúp hạ chi phí vốn.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi thanh toán của dân cư ngày càng tăng qua các năm. Tính đến cuối quý III/2021, tổng số tài khoản thanh toán cá nhân đã được mở tại các ngân hàng là hơn 110 triệu tài khoản và số dư đạt hơn 794.000 tỷ đồng. Đây là một miếng bánh mà ai cũng muốn chia phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà băng.

Bạn đang đọc bài viết Hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, Big4 ngân hàng thiệt hại ra sao? tại chuyên mục Big Corp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Big Corp