50 ngân hàng số theo mô hình bán lẻ thách thức (challenger bank) đang hoạt động tại châu Á Thái Bình Dương, song chỉ 10 trong số này có lãi. Những ngân hàng có lãi phần lớn có trụ sở tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Con số ấy cho thấy đây là hai thị trường có môi trường ngân hàng số phát triển nhất trong khu vực, theo một nghiên cứu mới của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG).
Báo cáo mới của BCG cho thấy bức tranh toàn cảnh mảng ngân hàng số ở Châu Á Thái Bình Dương và chỉ ra các yếu tố khiến Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là hai "chiến trường" tiếp theo cho các ngân hàng muốn tăng trưởng cao.
Chỉ 13 ngân hàng số chạm hoặc vượt điểm hòa vốn
Trên phạm vi thị trường tài chính toàn cầu, theo ước tính của BGC, số ngân hàng số đang hoạt động lên tới 249. Dù tăng trưởng mạnh so với các năm trong quá khứ, đường tới lợi nhuận của các ngân hàng này vẫn đầy rẫy thách thức.
Hiện tại, chỉ mới có 13 ngân hàng mô hình mới này (chiếm tỷ trọng dưới 5%) đạt đến điểm hoà vốn. Điểm nhấn đáng chú ý là 10 trong số này nằm ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Nhóm 10 ngân hàng đó bao gồm 4 đại diện từ Trung Quốc (WeBank, MYbank, Aibank và XW Bank), 4 từ Nhật Bản (Rakuten Bank, Sony Bank, Jibun Bank và PayPay Bank), 1 từ Ấn Độ (Paytm) và 1 từ Hàn Quốc (KakaoBank).
Trong 249 ngân hàng số, chỉ 13 ngân hàng số chạm hoặc vượt điểm hòa vốn (Ảnh minh họa) |
WeBank và Aibank là ngân hàng số nhất ở Châu Á Thái Bình Dương nếu xét theo tiêu chí người dùng. Hai ngân hàng này có tổng cộng 2,2 tỷ người dùng tính đến năm 2020. Tổng cộng, nhóm ngân hàng số có lãi của Trung Quốc đang phục vụ khoảng 3 tỷ người dùng.
Ở Nhật Bản, Rakuten Bank là ngân hàng số lớn nhất với 100 triệu người dùng ở thời điểm năm 2020.
Theo BCG, hiện chưa có ngân hàng số nào chiếm được thị phần lớn hơn 2% ở quy mô huy động hoặc dư nợ của phân khúc khách hàng mục tiêu, dù đó là phân khúc khách hàng cá nhân hay doanh nghiệm vừa và nhỏ.
Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là miền đất hứa
Ở Đông Nam Á, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đang thể hiện nhiều động thái chào đón các ngân hàng mô hình số mới.
Malaysia có dân số yêu thích công nghệ và mặc dù tỷ lệ dân số tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng khác cao, vẫn còn dư địa tăng trưởng cho các ngân hàng mới. Mới đây, Malaysia bắt đầu cấp đăng ký giấy phép hoạt động ngân hàng số.
Indonesia cũng là một thị trường tiềm năng lớn với một nửa dân số từ 30 tuổi trở xuống cùng tỷ lệ sử dụng thanh toán điện tử cao thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Hiện tại, các quy định triển khai mô hình ngân hàng hoàn toàn trực tuyến cũng đang được dự thảo và xem xét.
Tại Philippines, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng trung ương đã cấp ba giấy phép hoạt động ngân hàng số cho Tonik Digital Bank, UNObank và Overseas Filipino Bank.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều ngân hàng cũng đang nỗ lực số hoá song thị trường chưa ghi nhận một ngân hàng thắng thế rõ rệt trong cuộc đua này.
Theo báo cáo của BCG, doanh thu ngành ngân hàng Việt Nam có thể chạm mốc 27 tỷ USD vào năm 2024, tương đương mức tăng trưởng 13% mỗi năm từ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao nhất mà BCG quan sát được ở khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có dân số được ngân hàng phục vụ thấp nhất trong khu vực (định nghĩa là nhóm dân số có tài khoản ngân hàng hoặc dùng mobile money), mới đạt trên 40%.
BCG nhận định Thái Lan là quốc gia có người dùng đón nhận các dịch vụ ngân hàng số tích cực nhất tại Đông Nam Á.
Sau Đông Nam Á, Ấn Độ cũng mang đến nhiều cơ hội cho ngân hàng mô hình mới khi có thị trường tiềm năng rộng lớn, nền tảng công nghệ mạnh mẽ và tỷ lệ người dùng chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng hoặc chưa được phục vụ đầy đủ cao.
Theo Tài chính Doanh nghiệp