Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Minh Bình cho biết theo nghị quyết của Quốc hội, VietinBank sẽ dành toàn bộ lợi nhuận thu được để tăng vốn. (Ảnh: VietinBank) |
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 sáng nay, lãnh đạo VietinBank cho biết năm 2022, VietinBank dự định phát hành các loại giấy tờ có giá bao gồm trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Với trái phiếu thứ cấp, tức là loại trái phiếu có thể tính vào vốn cấp 2 của VietinBank, tổng mệnh giá phát hành tối đa là 15.000 tỷ đồng. Lãi suất phù hợp với thị trường vào thời điểm phát hành.
Với giấy tờ có giá thông thường bao gồm chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu thường, tổng mệnh giá dự kiến phát hành là 50.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo VietinBank cho biết thêm, ngân hàng chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế năm 2022.
Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho biết, môi trường kinh doanh năm 2022 không những có yếu tố dịch bệnh COVID-19 mà còn có thêm bất ổn địa chính trị Nga – Ukraine.
Từ năm 2021, chúng tôi đã chủ động xây dựng các giải pháp kinh doanh cho năm 2022 và triển khai xuống các đơn vị. Đến tháng 4 này, hoạt động của VietinBank có sự khác biệt rất nhiều.
Tính đến ngày 25/4, tổng tài sản tăng 8,4% lên 1,6 triệu tỷ đồng. Dư nợ đạt 1,22 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,6%. Thời điểm quý I tăng 9,2-9,3%, hiện giảm xuống 8,6%. Năm 2022 VietinBank được giao tăng trưởng tín dụng 10%. Chúng tôi dự báo nhu cầu tín dụng quý II và III sẽ rất lớn nên chúng tôi chuẩn bị trước. VietinBank duy trì tỷ lệ LDR khoảng 83-84%.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận 15% là tương đối thận trọng, có thể đạt được. Trong năm 2022, VietinBank sẽ ghi nhận khoản phí up-front theo thỏa thuận hợp tác với Manulife. VietinBank không thể công bố con số cụ thể vì thỏa thuận bảo mật nhưng Chủ tịch Trần Minh Bình đánh giá là rất tốt, sẽ được phân bổ trong 5 năm.
VietinBank hiện đứng thứ 3 về bancassurance, dự kiến năm nay sẽ đẩy doanh số bảo hiểm lên trên 1.000 tỷ đồng, khoản phí dự kiến 250 tỷ.
Ngân hàng đang tiến hành quá trình thoái vốn khỏi công ty con là Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV VietinBank Leasing. Quá trình đàm phán đòi hỏi nhiều thời gian để chúng tôi đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ cũng như đảm bảo tính hiệu quả của thương vụ.
Đối với kế hoạch tăng vốn và cổ tức, Chủ tịch Trần Minh Bình thông tin, theo nghị quyết của Quốc hội, VietinBank sẽ dành toàn bộ lợi nhuận thu được để tăng vốn. Về tỷ lệ cụ thể bao nhiêu, chúng tôi cần xin ý kiến Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Nhưng theo quan điểm của Quốc hội, lợi nhuận sẽ dành trọn vẹn cho việc tăng vốn nên tỷ lệ cổ tức sẽ rất tốt và rất cao trong thời gian tới.
Để nâng hệ số CAR, anh Trần Văn Tần cũng nói đến việc phát hành trái phiếu thứ cấp, được tính vào vốn cấp 2. Ngoài ra, chúng tôi còn rà soát hệ số rủi ro, tài sản có rủi ro để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, cổ đông có thể yên tâm.
Về tình hình nợ xấu, thành viên HĐQT Lê Thanh Tùng thông tin, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/3/2022 là 1,25%, giảm so với cuối năm 2021. VietinBank luôn chú trọng quản lý rủi ro tín dụng, nhận diện sớm các rủi ro tiềm ẩn để có giải pháp kịp thời. Ngân hàng áp dụng mô hình IRB theo chuẩn Basel II, chuyển dịch cơ cấu tín dụng hướng tới khách hàng bán lẻ vừa và nhỏ để tối ưu hóa danh mục.
Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine và COVID-19 diễn biến phức tạp, VietinBank phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Chủ tịch Trần Minh Bình cho rằng thực tế có thể làm tốt hơn mức 1,8% này.
Kế hoạch trích lập dự phòng, tính đến cuối quý I/2022, VietinBank đã trích lập hơn 4.400 tỷ đồng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 197,3%, cao hơn mức 180% vào ngày 31/12/2021.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Hội đồng quản trị VietinBank đề ra mục tiêu tổng tài sản cuối năm sẽ tăng trưởng 5-10% so với đầu năm. Tăng trưởng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tăng trưởng huy động tiền gửi dự kiến 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN.
Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng năm 2022 phấn đấu dưới 1,8%. Năm 2021, VietinBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu không quá 2%, con số thực tế ngày cuối năm là 1,26%.
Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2022 dự kiến tăng trưởng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.