Theo kế hoạch được công bố trên website, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã chứng khoán: EIB) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào ngày 28/4.
Tuy nhiên, tính đến 9h sáng cùng ngày, tổng số cổ đông tham dự là 90 người, đại diện cho hơn 688 triệu cổ phần tham dự, tương ứng với tỉ lệ 56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, đại hội không đủ điều kiện tiến hành.
Thực tế, đây không phải lần đầu Eximbank tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên. Từ tháng năm 2019, Eximbank chưa tổ chức được đại hội cổ đông vì những tranh chấp giữa các cổ đông lớn.
Cụ thể, ngày 26/4/2019, đại hội cổ đông thường niên lần 1 năm 2019 của Eximbank không đủ tỉ lệ tiến hành. Ngày 26/5/2019, Eximbank lại hoãn đại hội cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ 2 với lý do cần có thêm thời gian để hoàn thiện kỹ lưỡng công tác tổ chức. Tới ngày 21/6/2019, Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông do tranh chấp quanh ghế chủ tọa dẫn đến chỉ chưa đầy 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội.
Eximbank sau đó định không họp đại hội cổ đông năm 2019 mà thống nhất tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 vào ngày 22/4/2020. Sau đó thay đổi kế hoạch và định tổ chức trước đại hội cổ đông bất thường vào ngày 5/3/2021 nhưng lại hoãn một lần nữa vì lo ngại dịch Covid-19.
Năm 2020, nhà băng này liên tiếp hoãn đại hội với nhiều lý do như không đủ tỉ lệ để tiến hành, không đủ điều kiện để tiến hành, dịch Covid-19 ảnh hưởng…
Sang đến năm 2021, ngày 26/4/2021, đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 (lần thứ 3) của Eximbank lại phải hoãn vì không thông qua được quy chế tiến hành họp đại hội.
Tuy nhiên, lần gần đây nhất là hôm 15/2/2022, Eximbank tổ chức thành công với việc thông qua HĐQT và Ban kiểm soát mới. Cuộc họp cổ đông bất thường này có tỉ lệ tham dự lên đến gần 95%. Lần đại hội này cũng đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới với 7 thành viên, sau hơn 2 năm nhà băng này bị trì hoãn bởi những xung đột thượng tầng về vị trí lãnh đạo.
Hai ngày sau, Hội đồng Quản trị ngân hàng này đã thống nhất bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - một thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ VII (2020-2025). Trước đó, vị trí Chủ tịch Eximbank được chuyển qua lại, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh cho tới ông Yasuhiro Saitoh - đại diện của cổ đông của Ngân hàng Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC). Đối tác Nhật SMBC hồi tháng 3 vừa rồi cũng đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank sau 14 năm.
Nếu cuộc họp cổ đông lần này không bị hoãn, HĐQT Eximbank thời tân Chủ tịch sẽ trình cổ đông thông qua nhiều nội dung quan trọng, như kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi năm ngoái lên 2.500 tỷ đồng, xây trụ sở chính sau nhiều năm đi thuê…
Cụ thể, Eximbank kỳ vọng tổng tài sản sẽ tăng 7,9%, đạt 179.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Trong đó, số dư huy động vốn dự kiến tăng 7,4%, đạt 147.600 tỷ đồng và tín dụng tăng 10%, đạt 127.149 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thông báo, trong điều kiện thuận lợi, ngân hàng sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức này. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng Eximbank đặt ra không quá 1,7%. Thời điểm cuối năm 2021, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 1,96%.
Ngoài ra, trong tài liệu chuẩn bị họp cổ đông tưởng như diễn ra vào hôm nay, Eximbank cũng sẽ lý giải việc bán 22,8 triệu cổ phiếu STB từ năm 2017, tuy dưới giá tối thiểu 13.000 đồng/cổ phiếu nhưng đảm bảo mục tiêu thoái vốn và có lãi.
Eximbank cũng có tờ trình cổ đông về chủ trương xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, Tp.HCM với nguồn vốn đầu tư bằng 100% vốn tự có. Eximbank cho biết hiện chưa có trụ sở chính (vẫn phải đi thuê trụ sở tại Vincom Center) khiến ngân hàng khó ổn định hoạt động, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh.
Ngân hàng phải chi hơn 31 tỷ đồng mỗi năm để thuê trụ sở nhưng bị hạn chế diện tích, không gian. Trong khi đó, khu đất tại đường Lê Thị Hồng Gấm đang để phí.