OCB bị chất vấn về vụ ông Trịnh Văn Quyết và bà Nguyễn Phương Hằng

Theo Tài chính Doanh nghiệp 17:56 26/04/2022

Nợ của ông Trịnh Văn Quyết (FLC) và bà Nguyễn Phương Hằng (Đại Nam) tại OCB đều đã và đang được xử lý tốt nên chưa phát sinh tổn thất.

Tại họp đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng OCB mới đây, vấn đề các khoản cho vay với Tập đoàn FLC cũng trở thành chủ đề nóng. Cùng với BIDV, Sacombank, OCB là một trong những ngân hàng đang cấp tín dụng nhiều nhất cho Tập đoàn FLC.

Trả lời băn khoăn về các khoản cho vay với FLC sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết Tập đoàn FLC từ trước đến nay có nhiều dự án tiềm năng. Trước thời điểm xảy ra sự kiện ông Quyết vi phạm pháp luật, trong quan hệ tín dụng với OCB, FLC trả nợ gốc, lãi rất nghiêm túc, chưa bao giờ chậm nợ và thực tế trong cả hệ thống ngân hàng, tập đoàn này cũng chưa bao giờ bị chuyển nhóm nợ.

Cổ đông tán thành các kế hoạch OCB đưa ra tại đại hội.

Cổ đông tán thành các kế hoạch OCB đưa ra tại đại hội.

Theo ông Tùng, OCB cho FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hai dự án bất động sản ở Quảng Ninh. Ngân hàng chỉ cho vay dựa trên dự án cụ thể. Hai dự án trên đều có đầy đủ điều kiện pháp lý, chỉ được cấp tín dụng sau khi FLC hoàn thành giải phóng mặt bằng, đấu thầu đúng quy định. Song song đó, OCB cũng cho Bamboo Airways vay khoảng 1.000 tỷ đồng với tài sản thế chấp bằng bất động sản.

Còn với khoản vay của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc của Công ty CP Đại Nam, thì ông Huỳnh Uy Dũng, chồng bà Hằng cũng đã đứng ra xử lý nợ. Dự án OCB cho vay là sản xuất găng tay xuất khẩu đi Mỹ. Hiện ông Dũng đã xử lý khoản nợ 450 tỉ đồng. Được biết ông Dũng cũng đang thực hiện bán các tài sản khác để trong 2 tháng tới Đại Nam thu 2.500 tỉ đồng trả nợ cho các khách hàng khác. Tài sản Đại Nam thế chấp là bất động sản có sổ đỏ.

Năm 2021, tổng tài sản OCB đạt 184,5 ngàn tỉ đồng, tăng 21%; dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng 15% đạt 103,6 nghìn tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 25% đạt 5.519 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 21.805 tỉ đồng trong đó vốn điều lệ 13.699 tỉ đồng. OCB chia cổ tức 30%.

Quý 1/2022, tổng tài sản OCB tăng 2%, dư nợ tăng 6%, lợi nhuận trước thuế 1.115 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, OCB đã trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo Trung tâm Thông Tin Tín Dụng (CIC) trong BCTC quý 1 nên lợi nhuận đạt 836 tỉ đồng.

Năm 2022, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.100 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với 2021. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 25%. Lãnh đạo OCB thừa nhận đây là chỉ tiêu rất thách thức trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt về lãi suất cho vay, đặc biệt trong mảng bán lẻ. Do đó, ngân hàng sẽ tập trung vào việc giảm chi phí vốn, đẩy mạnh các sản phẩm cho vay riêng, tăng cường chất lượng tín dụng để đạt kế hoạch cam kết với cổ đông.

Bạn đang đọc bài viết OCB bị chất vấn về vụ ông Trịnh Văn Quyết và bà Nguyễn Phương Hằng tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng
Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng đang hết sức sôi nổi. Mới đây, ABBank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thêm 35% và sẽ tiếp tục trình cổ đông kế hoạch tăng vốn tại đại hội sắp tới.