-- |
Hàng năm, những ngày đầu tháng 1 thường là thời điểm ngành ngân hàng đua nhau công bố lợi nhuận. Trước khi ra báo cáo tài chính, ngân hàng nào kinh doanh càng tốt, lãi càng cao sẽ càng công bố sớm con số lợi nhuận. Tuy nhiên, trái ngược với thông lệ, năm nay các ngân hàng tỏ ra khá dè dặt khi nhắc tới lợi nhuận.
Chẳng hạn, BIDV mới đây cho biết năm 2021 tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.
Mặc dù vậy, ngân hàng không tiết lộ con số lợi nhuận cụ thể mà chỉ cho biết đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021 được NHNN giao. Thay vào đó, ngân hàng nhấn mạnh vào việc giảm mạnh nợ xấu.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021 giảm 0,73 điểm phần trăm so với năm 2020 xuống còn 0,81% và tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm phần trăm.
Tương tự, ngân hàng VietinBank cho biết, tính đến hết ngày 31/12, dư nợ bình quân tăng 12,3% so với năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,8% của 6 tháng đầu năm. Con số về lợi nhuận cụ thể không được công bố, song nhà băng chia sẻ lợi nhuận trước thuế riêng lẻ sẽ đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đại hội cổ đông đề ra.
VietinBank cho biết kết quả kinh doanh khả quan tạo nguồn lực để ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo hướng thận trọng. Ngân hàng cũng nhấn mạnh tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện tích cực ở mức 171%, cao hơn so với năm 2020.
Gần đây nhất, tại hội nghị triển khai công tác đảng và hoạt động kinh doanh năm 2022 của Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho biết tổng tài sản đến cuối năm 2021 ở mức 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2020. Huy động vốn phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Dư nợ tín dụng đạt hơn 963.000 tỷ đồng, tăng gần 15%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, nợ nhóm 2 chiếm 0,34%, tỷ lệ nợ xấu 0,63% và được trích lập đầy đủ. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Cũng giống như BIDV và Vietinbank, Vietcombank không công bố con số lợi nhuận cụ thể.
Trong nhóm các ngân hàng cổ phần nhà nước, chỉ có duy nhất Agribank đã công bố con số lợi nhuận. Theo đó, Agribank ghi nhận lợi nhuận hơn 14.000 tỉ đồng trong năm 2021, tăng khoảng 7% so với năm 2020. Tổng dư nợ cho vay đạt 1,31 triệu tỉ đồng với gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Ở khối ngân hàng tư nhân, TPBank là điểm sáng hiếm hoi khi là ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế khá lớn, đạt 6.038 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước đó và vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra.
Tại MSB, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cũng cho biết, đến hết tháng 10/2021, ngân hàng đạt lãi trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. MSB dự kiến cán mốc trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2021, vượt xa so với mục tiêu đưa ra là 4.100 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng cổ phần nhà nước không hào hứng công bố lợi nhuận dự báo một mùa kết quả kinh doanh đáng chú ý của các ngân hàng. Thay vì công bố lãi lớn, tăng trưởng đột biến, nhiều khả năng các nhà băng sẽ chỉ ghi nhận đạt lợi nhuận tương đương hoặc vượt nhẹ so với năm ngoái.
Thực tế từ các quý trước, nhiều ngân hàng đã không muốn đề cập đến thông tin lợi nhuận ngân hàng trên truyền thông. Thay vào đó, các ngân hàng thường tập trung vào thông tin hỗ trợ lãi suất, tăng trưởng tín dụng hoặc tăng trưởng dự phòng rủi ro tín dụng...
Diễn biến lợi nhuận của các ngân hàng phù hợp với chỉ đạo của NHNN, khi cơ quan chủ quản ngành ngân hàng đã nhiều lần lên tiếng không khuyến khích các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao, mà cần tập trung nguồn lực để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, nợ tái cơ cấu để tránh các cú sốc từ dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống sẽ khoảng 7,31% (trong khi cuối năm 2020 là 5,08%).
Đại diện NHNN cũng cho biết, trong năm 2022, những tác động của dịch bệnh đến ngành ngân hàng sẽ mạnh hơn do có độ trễ. Do đó, NHNN sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn dưới 3%.
Theo đó, về tín dụng cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có biểu hiện không lành mạnh, sẽ không được tập trung vốn, tăng cường kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng cho nhà ở xã hội, nhu cầu nhà ở thực của người dân sẽ được ngân hàng ưu tiên vốn.