Các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ chuyển đối số
Công nghệ - cơ hội và thách thức của nguồn nhân lực
Chia sẻ, tại diễn đàn "Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng khoa học, công nghệ", Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng, cấu trúc nhân sự trong các ngân hàng đang được tái định hình. Một số vị trí cũ dần biến mất, thay vào đó là nhu cầu cao về chuyên gia dữ liệu, ký sự công nghệ tài chính, chuyên viên quản lý rủi ro số, chuyên gia về trải nghiệm người dùng. Đây chính là lý do mà thời gian qua nhiều ngân hàng liên tục cắt giảm nhân sự. Động thái này là cho thấy các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ chuyển đối số.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ, việc quản lý ngân hàng cũng được thực hiện thông qua nền tảng số, sẽ giảm nguồn nhân lực đáng kể… Điều này giúp khách hàng hoàn toàn chủ động, trải nghiệm hấp dẫn và ngân hàng tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa các quy trình hoạt động, cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới, nhiều tiện ích. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số ngân hàng gắn kết chặt với sự mở rộng, phát triển ứng dụng AI vào thực tiễn kinh doanh theo 5 giai đoạn phát triển chung của AI trên thế giới. Theo một số dự báo khoa học, AI có thể đóng góp tới 15% GDP tăng thêm của nhân loại trong thời gian tới… Do đó, trong hoạt động ngân hàng cũng ghi nhận vai trò ngày càng to lớn của AI và nhu cầu nguồn nhân lực liên quan đến AI.
Mặc dù có một bộ phận nhân sự truyền thống bị dư thừa, các công nghệ như AI và Blockchain lại đang tạo ra những cơ hội việc làm mới. Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhận định AI (trí tuệ nhân tạo) và Blockchain là hai xu hướng công nghệ có tác động lớn nhất đến ngành ngân hàng, mặc dù vai trò của chúng khác nhau. AI sẽ hỗ trợ ngân hàng tăng trưởng doanh thu bằng cách giảm chi phí, thông qua việc xử lý các mô hình dữ liệu lớn một cách hiệu quả. Blockchain sẽ cung cấp một nền tảng minh bạch, giúp giảm chi phí trong các hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán xuyên biên giới. Công nghệ này cũng thúc đẩy xu hướng token hóa tài sản và tăng tốc giao dịch 24/7. Sự kết hợp của hai công nghệ này được dự báo sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong thị trường lao động ngành ngân hàng. Khoảng 85 triệu việc làm có thể sẽ biến mất, nhưng bù lại, 97 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trong thời gian tới. Đây là một con số cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ và những cơ hội mới mẻ mà công nghệ mang lại cho ngành tài chính.
Trước những thay đổi này, nhiều ngân hàng đã có những bước đi cụ thể. Ông Phạm Hà Duy, Thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số và Dữ liệu Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)cho biết, ABBank đang có sự chuyển dịch rõ rệt trong chiến lược nhân sự. Ngân hàng không còn xem công nghệ là một mảng riêng biệt mà là một kỹ năng cốt lõi cần có ở mọi vị trí. Điều này đã thay đổi cách tiếp cận tuyển dụng, ưu tiên những người có kỹ năng công nghệ để tối ưu hóa hiệu suất và giảm số lượng nhân sự. Nhiều vị trí mới đã được tạo ra như chuyên gia trải nghiệm khách hàng hay kinh doanh số, đòi hỏi những cá nhân đa kỹ năng. Bằng cách tuyển dụng nhân sự từ nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ giới hạn trong ngành ngân hàng, ABBank đã mở rộng góc nhìn, tránh được "thiên kiến nghề nghiệp" và đón nhận những luồng tư tưởng mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) cho biết, cuối năm 2024, ngân hàng đã tiến hành tái cấu trúc bộ máy một cách tinh gọn, từ 18 khối xuống còn 8 khối. Trong đó, khối công nghệ đã hợp nhất nhiều mảng quan trọng như dữ liệu, chuyển đổi số và ngân hàng số.
Tuy nhiên, việc tái cấu trúc này đang đặt ra một số thách thức lớn về mặt nhân sự: Theo đó, ngân hàng thiếu nguồn lực và sức ép tuyển dụng. Mặc dù số lượng kỹ sư công nghệ tốt nghiệp từ các trường đại học rất lớn, với thế hệ Gen Z học nhiều ngành như lập trình, dữ liệu, nhưng việc tuyển dụng lại cực kỳ khó khăn. Nguồn nhân lực dồi dào, nhưng để tìm được người phù hợp lại là một câu chuyện khác. Áp lực thời gian khiến quá trình tuyển dụng thường chỉ dựa vào hồ sơ và các buổi phỏng vấn mang tính hình thức. Để tuyển được nhân sự chất lượng, người phỏng vấn cũng cần có chuyên môn và đánh giá đúng năng lực ứng viên. Một thách thức lớn hơn là giữ chân đội ngũ, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao. Áp lực phải ra sản phẩm nhanh chóng khiến các quy trình làm việc đôi khi bị rút ngắn, dẫn đến sai sót. Trong khi đó, việc sử dụng nhân tài, nhất là những người có năng lực, đòi hỏi một cơ chế làm việc dân chủ, cởi mở, ông Lưu Danh Đức chia sẻ.
Bên cạnh đó, một chuyên gia đánh giá, ở Việt Nam, nguồn nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số còn hạn chế và các chương trình đào tạo đại học chưa thay đổi kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Không chỉ Việt Nam mà ngành ngân hàng trên toàn thế giới đang trải qua sự thay đổi lớn cả về tổ chức lẫn nhân sự. Nhiều vị trí công việc truyền thống trong ngân hàng sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho máy móc, cơ sở dữ liệu thông minh và AI đảm nhiệm. Những công nghệ này không chỉ thực hiện được các nhiệm vụ vốn do con người đảm nhận, mà còn làm năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, và tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Từ đó, sẽ xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng trở nên dư thừa. Đây là một thực tế mà ngành ngân hàng buộc phải đối mặt và thích nghi.
Trang bị kiến thức và đào tạo liên tục
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, càng những người có nhiều tri thức sẽ càng dễ dàng bị thay thế bằng trí tuệ nhân tạo, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Do đó, với nhóm nhân viên IT trong các ngân hàng bây giờ phải trang bị lại kiến thức mới theo các nền tảng mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo. Việc cập nhật trong đào tạo nhân lực công nghệ sẽ là việc làm liên tục vì cứ 6 tháng đến 1 năm có một đời công nghệ mới ra đời, sẽ đặt ra vấn đề rất lớn về các loại mã hoá, đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ.
Dẫu vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khẳng định, dù mảng bán lẻ đang được số hóa mạnh mẽ với các quy trình đi vay, đi làm nhanh chóng, thì ở mảng cho vay doanh nghiệp, sự can thiệp của con người vẫn đóng vai trò quan trọng. Ít nhất 40% các quy trình như thu thập thông tin, thẩm định hồ sơ, thu hồi nợ, kiểm soát rủi ro và thanh toán vẫn cần sự tham gia của con người để đảm bảo tính chính xác và an toàn. Dự đoán trong 10 năm tới, trí tuệ nhân tạo (AI) chưa thể thay thế hoàn toàn con người. Những quyết định quan trọng liên quan đến kiểm soát môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô và luật pháp đòi hỏi con người phải có đạo đức kinh doanh và trí tuệ để đưa ra lựa chọn tốt nhất. Đây là yếu tố cốt lõi và cần thiết hơn cả việc chỉ tập trung vào chuyển đổi số.
Do đó, TS. Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng. Theo đó là cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số - ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu - nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình.
Dưới góc nhìn của cơ sở đào tạo, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính – Đại học Đại Nam đã đưa ra ba kiến nghị trọng tâm để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực FinTech. Đầu tiên, đề xuất Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đào tạo có trọng điểm, chẳng hạn như cấp học bổng 100% cho sinh viên ngành FinTech và tổ chức các cuộc thi tài năng công nghệ thường xuyên. Thứ hai, cần cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy mạnh đào tạo song bằng để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng công nghệ ở chuyên gia tài chính và ngược lại. Cuối cùng, kiến nghị Nhà nước hỗ trợ các trường đại học đổi mới chương trình đào tạo, đồng thời tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để đưa lý thuyết vào thực tiễn, dù việc này hiện vẫn còn nhiều khó khăn.