Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Hà Nội, kết quả khảo sát nhanh của các sở, ngành đối với gần 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 6/2021 cho thấy: 57,10% doanh nghiệp trả lời hoạt động cầm chừng; 38,97% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường; 2,61% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1,41% doanh nghiệp hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh.
Các ngân hàng có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (Ảnh minh họa) |
Phần lớn các khó khăn của các doanh nghiệp là không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do bị ách tắc tại khâu lưu thông, vận chuyển; thiếu nguyên vật liệu đầu vào; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch... Thực trạng này của TP. Hà Nội cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác, đặc biệt ở các tỉnh, thành phía Nam.
Các chuyên gia cho rằng, con số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng hoạt động sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa trong thời gian tới khi nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, từ giữa tháng 7 vừa qua, 16 ngân hàng thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19. Số tiền giảm lãi suất cho vay trong đợt này vào khoảng 20.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số chi phí hỗ trợ thực tế tuỳ thuộc quy mô mỗi ngân hàng và từng đối tượng khách hàng.
Vẫn còn có thể hỗ trợ thêm
Ghi nhận các ngân hàng đã tích cực giảm lãi suất trong thời gian qua, tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, các ngân hàng có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các DNNVV. Trong đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho DNNVV, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng các ngân hàng đã và đang giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cân nhắc có thêm gói hỗ trợ lãi suất cho DNNVV, có trọng tâm, trọng điểm; phần cấp bù lãi suất lấy từ ngân sách nhà nước.
Đề xuất trên của TS. Cấn Văn Lực có thể thực hiện được vì các ngân hàng vẫn còn dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay. Bởi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các nhà băng vẫn đang đứng ở mức khá cao. Trong một báo cáo vừa công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, ngành ngân hàng đã sớm chứng kiến NIM tăng do cơ cấu tiền gửi thay đổi. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng niêm yết công bố tăng trưởng lợi nhuận vượt trội từ quý IV/2020 đến quý II năm nay. “Mặc dù NIM của các ngân hàng có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, song nhìn chung NIM dự kiến vẫn có thể bền vững tại mức cao hơn trước đại dịch, nhưng thấp hơn mức đỉnh trong giai đoạn quý IV/2020 tới quý II”, VDSC nhấn mạnh.
Trên thực tế, báo cáo tài chính năm 2020 và nửa đầu năm 2021 của các nhà bằng cũng ghi nhận những con số lợi nhuận kỷ lục và chủ yếu vẫn do đóng góp của mảng tín dụng. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng lãi lớn từ tín dụng không phải là do nâng lãi suất cho vay, mà chủ yếu nhờ nguồn vốn rẻ (tiền gửi không kỳ hạn) tăng nhanh. Nhưng điều này cũng cho thấy, dư địa giảm lãi vay của các ngân hàng còn khá lớn.
Yếu tố nữa ủng hộ cho việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng đó là thanh khoản của hệ thống NHTM khá dồi dào. Trong báo cáo về thị trường tiền tệ mới đây, Bộ phận phân tích của chứng khoán SSI cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 75% lượng hợp đồng bán ngoại tệ đã đáo hạn và khối lượng còn lại sẽ được thực hiện hoàn toàn trong tháng 8. Theo đó, có hàng trăm nghìn tỷ đồng được bơm ra khi các hợp đồng này đáo hạn, giúp thanh khoản hệ thống dồi dào hơn. Bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt trong tháng 7.
“NHNN sẽ tiếp duy trì chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, giúp các doanh nghiệp duy trì thanh khoản trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Và cũng không loại trừ khả năng có các động thái tiếp tục nới lỏng chính sách, nếu tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, kéo dài hơn so với dự kiến”, SSI nhận định.
Ngoài ra, lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở mức thấp cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay.
Với tất cả các yếu tố nói trên, giới chuyên gia cho rằng, vẫn còn dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất sâu hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Theo Kinh tế chứng khoán