Ngân hàng vẫn khó giảm lãi cho vay theo ý của doanh nghiệp

NHVN 16:01 26/08/2021

Giới chuyên gia cho rằng các ngân hàng khó giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp về 2 – 3% dù lãi suất huy động đang giảm.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, kể từ đầu mùa dịch đến nay không chỉ các ngân hàng quốc doanh, nhóm các ngân hàng tư nhân đã tung ra nhiều gói vay ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp.

Mới đây nhất, nhiều ngân hàng lớn lại tiếp tục giảm lãi suất cho vay (chỉ còn từ 4%/năm) và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng như đợt trước, ngân hàng lưu ý: Việc giảm lãi suất này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Ảnh minh họa.

Việc này khiến các doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán… than khó, trong đơn trình bày khó khăn gửi tới Hiệp hội nhà thầu Xây dựng, Công ty CP Eurowindow nói rằng chi phí lãi vay ngân hàng vẫn chưa được giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cùng với đó, các khoản vay vốn lưu động của Eurowindow sau ngày 30/6/2020 không được giãn nợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty.

Tương tự, Tập đoàn Cienco 4 cũng phản ánh hiện nay các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp, an sinh xã hội cho người lao động thì doanh nghiệp và người lao động vẫn còn khó tiếp cận.

Do đó, không chỉ mong muốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp còn đề xuất được hạ từ 2 – 3% lãi suất cho vay.

Thậm chí, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam còn đề xuất giảm lãi suất vay ngân hàng về 0% để duy trì hoạt động đến hết năm 2021.

Công ty CP Xây dựng Vijako Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng cho phép dừng tính lãi suất ngân hàng các khoản vay phục vụ xây lắp trong thời gian giãn cách và ảnh hưởng trực tiếp sau giãn cách.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp các ngành hàng như vận tải, du lịch, khách sạn… cũng đưa ra đề xuất tương tự.

Cái lý để các doanh nghiệp yêu cầu mức lãi suất giảm vì hiện nay chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động đang ở mức cao. Theo số liệu từ World Bank, chênh lệch lãi suất 2019 của Việt Nam ở mức 2,7% thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á (3,1%) và các quốc gia có thu nhập tương đồng Việt Nam (6,7%).

Bước sang 2020, theo tổng hợp từ IMF, chênh lệch lãi suất của Việt Nam có cải thiện hơn và tăng lên mức 3,5% nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (4%) và Singapore (5,1%).

Còn tính tới thời điểm hiện tại, ước tính chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động hiện đang được duy trì ở mức 3%.

Nếu so với trước đại dịch (năm 2019) chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đã nới rộng thêm 0,3%, lý do lãi suất cho vay đang giảm chậm hơn so với lãi suất huy động.

Đây không phải vấn đề mới, trong năm 2020 nhiều doanh nghiệp "phàn nàn" lãi suất cho vay giảm không tương xứng với lãi suất huy động, khiến cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp vẫn treo cao so với sức chống chịu của doanh nghiệp trong đại dịch.

Theo thống kê, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khoảng 2 - 2,5% trong năm qua, trong khi lãi suất cho vay mới giảm trung bình từ 1 - 1,5%/năm tùy kỳ hạn.

Nhận định về việc này, chuyên gia kinh tế - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân 3% của các ngân hàng Việt Nam hiện nay không cao, không thấp bởi nếu so với mức bình quân tại các nước phát triển, con số này chỉ ở mức tương đương.

Điều này cho thấy, tương quan giữa mức giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại đang duy trì ở mức hợp lý.

Chưa kể, áp lực gia tăng của lãi suất huy động đối với các ngân hàng cũng đang có xu hướng lớn dần do dòng tiền gửi sẽ chuyển sang các kênh khác.

Trong nửa đầu năm 2021, lượng huy động vốn của các ngân hàng chỉ tăng có 2,9%. Mức huy động thấp này một phần giúp các ngân hàng có được lợi thế chi phí vốn. Nhưng trong thời gian tới, khi nhu cầu vay tăng cao lên sau khi dịch bệnh được kiểm soát, câu hỏi đặt ra là ngân hàng sẽ lấy thêm tiền ở đâu để cho vay? Chắc chắn, áp lực huy động sẽ tăng trở lại và lãi suất huy động cũng tăng theo.

Hơn nữa, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ phải hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 40% hiện tại xuống còn 37% từ tháng 10/2021, và 30% từ năm 2023. Như vậy, áp lực huy động vốn dài hạn có lãi suất cao hơn ở các ngân hàng sẽ tăng lên.

Khi đó, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay sẽ xuống dưới 3%, đây là mức thấp đối với các ngân hàng, đặc biệt khi áp lực nợ xấu đang ngày càng lớn như hiện nay.

Cũng xin lưu ý rằng số liệu về chênh lệch lãi suất này chưa xem xét đến yếu tố chi phí, theo đó chênh lệch lãi suất của Việt Nam có thể giảm khá mạnh nếu xem xét đầy đủ yếu tố về trích lập dự phòng rủi ro và các chi phí hoạt động khác.

"Do đó, không nhất thiết lãi suất huy động giảm 1% thì lãi suất cho vay cũng phải giảm tương ứng 1% như mức giảm của lãi suất huy động", ông Hiếu nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia thì cho rằng, nếu giảm lãi suất cho vay về mức thấp hơn nữa có thể khiến ngân hàng gặp rủi ro lớn. “Một khi nợ xấu lộ diện sau khi các ngân hàng không được giữ nguyên nhóm nợ như quy định hiện nay, dẫn tới việc ngân hàng huy động tiền về cho doanh nghiệp vay nhưng tiền lại không quay trở về ngân hàng để tiếp tục cho vay, mà hao hụt dần.” – TS Nghĩa nhận định.

Nếu như giảm mạnh lãi suất cho vay thì lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm, đồng nghĩa với khả năng phòng ngừa rủi ro trong tương lai sẽ yếu đi.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/ngan-hang-van-kho-giam-lai-cho-vay-theo-y-cua-doanh-nghiep-36843.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng vẫn khó giảm lãi cho vay theo ý của doanh nghiệp tại chuyên mục Khách hàng doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Khách hàng doanh nghiệp