Ngân hàng số nở rộ trong bối cảnh đại dịch Covid-19

NHVN 15:44 14/09/2021

Mô hình ngân hàng số đang mở rộng trên toàn cầu và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên như một cái nôi cho sự phát triển của các ngân hàng số.

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (Trung Quốc) đã cấp 8 giấy phép mở ngân hàng ảo trong năm 2019. Cơ quan tiền tệ Singapore đã cấp phép hoạt động cho 4 ngân hàng số năm 2020.
Trường hợp của Malaysia có thể giúp hình dung rõ hơn về vai trò của ngân hàng số trong việc thúc đẩy hòa nhập tài chính.

Bắt kịp xu hướng này, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã ban hành khung cấp phép cho các ngân hàng số trong năm 2020, khởi động hệ thống ngân hàng số ở Malaysia.

BNM đã nhận được 29 đơn đăng ký và sẽ cấp năm giấy phép ngân hàng số vào Q1/2020. Đối tượng xin cấp phép khá đa dạng, bao gồm ngân hàng, công ty công nghệ, công ty Fintech, tập đoàn công nghiệp, hợp tác xã và thậm chí cả chính quyền tiểu bang.

Các giấy phép này sẽ thúc đẩy sự phổ biến của các công nghệ ngân hàng đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hòa nhập tài chính ở Malaysia bằng cách nhắm mục tiêu vào các nhóm nhân khẩu học chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ dịch vụ ngân hàng, nâng cao phúc lợi tài chính của cá nhân và doanh nghiệp, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tài chính.

Ưu điểm của ngân hàng số

Ngân hàng số (digital banking) khác với hình thức Internet banking mà các ngân hàng truyền thống cung cấp.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa ngân hàng số và ngân hàng truyền thống là ngân hàng số không có bất kỳ chi nhánh nào (ngoại trừ một trụ sở chính đã đăng ký).

Ngân hàng số là sự dịch chuyển các hoạt động của ngân hàng truyền thống vốn chỉ được thực hiện thông qua các chi nhánh sang các dịch vụ được cung cấp nhờ vào kết nối Internet. Nhờ có ngân hàng số, khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch ngân hàng mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến chi nhánh. Do đó, với ngân hàng số, khách hàng có thể hoàn toàn chủ động trong giao dịch của mình.

Malaysia chậm hơn so với các nước láng giềng trong việc giới thiệu mô hình ngân hàng số. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) vào lĩnh vực này.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM). Ảnh: Bloomberg


Sáng kiến nâng cao quy chế quản lý của BNM nhằm tạo điều kiện phát triển và áp dụng các giải pháp Fintech, bằng cách giới thiệu khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (cơ chế sandbox) vào năm 2016, đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngân hàng số ở quốc gia này.

Nó mang lại cho các công ty Fintech sự linh hoạt trong quy định để thử nghiệm các giải pháp khách hàng dựa trên công nghệ.

Cơ chế sandbox giống như một chất xúc tác cho những đổi mới công nghệ trong dịch vụ tài chính sẽ góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của ngành tài chính Malaysia.

Việc tham gia vào cơ chế sandbox đã giúp các công ty Fintech huy động vốn. Ví dụ, MoneyMatch – một trong những đơn vị đã tham gia cơ chế sandbox của BNM – đã huy động thành công 18,5 triệu Ringgit Malaysia (4,4 triệu USD).

Năm 2016, BNM đã thành lập một nhóm chuyên trách về xây dựng và nâng cao các chính sách quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng Fintech ở Malaysia.

Khi các biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19 ở Malaysia được áp dụng, đã có thêm ba triệu người đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile banking vào năm 2020, và đẩy việc sử dụng và áp dụng ví điện tử lên một tầm cao mới.

Các doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng. Bằng chứng là đã có hơn 400.000 doanh nghiệp mới đăng ký dịch vụ thanh toán bằng mã QR, tăng 164% so với năm trước.

Vốn huy động được trên các nền tảng huy động vốn cộng đồng dựa trên vốn chủ sở hữu cũng tăng hơn 457% lên 127,7 triệu Ringgit Malaysia (30,4 triệu USD).

BNM cũng đã ban hành một dự thảo khung quản lý được đơn giản hóa cho các ngân hàng số. Động thái này nhằm mục đích giảm gánh nặng pháp lý cho những đơn vị mới tham gia với tiềm lực mạnh mẽ có thể đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Malaysia, đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính.

Đại diện của Deloitte Malaysia cho rằng ngân hàng số là ngân hàng của tương lai với sự linh hoạt để áp dụng các mô hình kinh doanh đang phát triển và đặt khách hàng vào trung tâm của mọi chiến lược. Ảnh: MCI

Các đặc điểm chính của khung quản lý được đơn giản hóa bao gồm các yêu cầu về an toàn vốn được đơn giản hóa để tính toán các thành phần rủi ro tín dụng và thị trường đối với các tài sản có trọng số rủi ro và các yêu cầu về thanh khoản được tăng cường.

Các ngân hàng số được yêu cầu tuân thủ tất cả các quy định áp dụng cho các ngân hàng truyền thống. Ngoài ra, BNM còn cung cấp các hướng dẫn rõ ràng và hữu ích để thu hút những đơn vị mới tham gia vào ngành.

Đối tượng hưởng lợi từ ngân hàng số

Việc Malaysia thúc đẩy ngân hàng số sẽ giúp cung cấp các dịch vụ tài chính hiệu quả về chi phí cho khách hàng bán lẻ và cộng đồng doanh nghiệp chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ.

Ngân hàng số có chi phí vận hành rẻ hơn 90% so với ngân hàng truyền thống vì ngân hàng số không có các chi nhánh và chi phí lao động thấp hơn. Điều này có nghĩa là họ có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp cho các nhóm thu nhập thấp hơn.

Các công ty khởi nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp 50% GDP Malaysia và tạo công ăn việc làm cho một nửa dân số trong độ tuổi lao động, sẽ là một trong những đơn vị hưởng lợi lớn nhất từ ngân hàng số.

Bên cạnh việc cung cấp các khoản vay dễ tiếp cận hơn đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngân hàng số - trái ngược với các ngân hàng truyền thống hiện tại - sẽ chọn cách tiếp cận lấy người vay làm trung tâm trong các hoạt động ngân hàng.

Các ngân hàng số sẽ cung cấp các giải pháp khách hàng phù hợp, phê duyệt và giải ngân vốn nhanh chóng, đơn giản hóa việc quản lý cho vay và định giá cạnh tranh.

Các ngân hàng số sẽ giúp các ngân hàng truyền thống chuyển đổi hoạt động dịch vụ ngân hàng của họ bằng cách thúc đẩy họ chăm sóc các nhóm đối tượng chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng ở Malaysia.

Người tiêu dùng cũng háo hức sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Theo nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Visa năm 2021, hơn 74% người Malaysia biết đến ngân hàng số, và 66% quan tâm đến việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng số.

Ngân hàng số sẽ cải thiện phúc lợi tài chính của cá nhân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững - bao gồm khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - và thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm các giải pháp tài chính phù hợp cho các nhóm dân cư chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các dịch vụ ngân hàng, ví dụ như các cá nhân có thu nhập thấp, những người trẻ tuổi, các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ngân hàng số sẽ hoạt động như một chất xúc tác để đạt được sự hòa nhập tài chính nhiều hơn ở Malaysia.

Với ngân hàng số, khách hàng không cần phải đến chi nhánh và có quyền chủ động hoàn toàn về thời gian thực hiện giao dịch. Ảnh: RinggitPlus

Còn quá sớm để đánh giá xem ngân hàng số sẽ định hình ngành ngân hàng của Malaysia như thế nào.

Tuy nhiên, có khả năng người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình số hóa tài chính, với các lựa chọn thay thế dịch vụ ngân hàng rẻ hơn và các sản phẩm và dịch vụ tài chính đổi mới đa dạng trở nên sẵn có hơn.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/ngan-hang-so-no-ro-trong-boi-canh-dai-dich-covid-19-a527481.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng số nở rộ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng