Từ ngày hôm nay (10/7), Ngân hàng Bắc Á chính thức áp dụng biểu lãi suất huy động mới với việc điều chỉnh giảm 0,15 – 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Theo đó, với số tiền gửi trên 1 tỷ - mức tiền gửi được hưởng lãi suất cao nhất, lãi suất huy động kỳ hạn 6 – 8 tháng giảm từ 7,6%/năm xuống 7,45%/năm; kỳ hạn 9 – 11 tháng giảm từ 7,7%/năm xuống 7,55%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,8%/năm xuống 7,5%/năm; kỳ hạn 13 – 15 tháng giảm từ 7,85%/năm xuống 7,65%/năm; kỳ hạn 18 – 36 tháng giảm từ 7,9%/năm xuống 7,7%/năm.
Với số tiền gửi dưới 1 tỷ, tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Bac A Bank áp dụng lãi suất thấp hơn khoảng 0,2 điểm % so với số tiền trên 1 tỷ, trong khi các kỳ hạn dưới 6 tháng cùng được áp dụng mức lãi suất cao nhất theo quy định của của Ngân hàng Nhà nước là 4,75%/năm và 0,5%/năm.
Trước đó, Bac A Bank là ngân hàng có biểu lãi suất huy động cao nhất hệ thống. Sau khi Bac A Bank điều chỉnh, mức lãi suất 7,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cũng chính thức biến mất trên thị trường.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước vào sáng ngày 10/7 cho thấy, phần lớn (22 ngân hàng) đã giảm lãi suất huy động 12 tháng xuống dưới mức 7,5%. Hiện, mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn này chỉ còn 7,75%/năm, do GPBank áp dụng.
Các ngân hàng huy động lãi suất trên 7,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng hầu hết là các ngân hàng nhỏ như GPBank (7,75%), PVComBank (7,7%), BaoVietBank (7,7%), Nam A Bank (7,7%), VietBank (7,6%),…
Lãi suất huy động 12 tháng tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn chủ yếu dao động trong khoảng 7 - 7,3%/năm, như SHB (7,2%), MB (7,1%), Techcombank (7,1%), VPBank (7,1%).
Đáng chú ý, một số ngân hàng tư nhân đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới 7%/năm như SCB (6,95%), ACB (6,9%), TPBank (6,7%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất huy động 12 tháng thấp nhất thị trường, chỉ ở mức 6,3%/năm.
Lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
Hồi đầu năm 2023, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.
Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1,5 – 3 điểm % so với mức đỉnh điểm ghi nhận cuối tháng 1/2023.
Lãi suất huy động 12 tháng đã giảm mạnh trong những tháng gần đây sau khi Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng hơn 3 tháng, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây.
Sau những động thái quyết liệu của NHNN, VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023, dựa trên những lý do sau: (1) nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm, (2) Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và (3) vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm 2023.
Mặt khác, tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm tốc trong những tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao, thị trường bất động sản & trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cũng như triển vọng kinh tế nói chung vẫn tương đối ảm đạm.
Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc. Do đó, thanh khoản hệ thống vẫn tương đối dồi dào. Vì vậy, nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.
Tương tự, Chứng khoán KB Việt Nam cũng dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại về quanh mức 6,7%/năm.
Theo Nhịp sống thị trường