Nợ xấu có nguy cơ tăng cao khi dịch COVID-19 chưa được kiểm soát

NHVN 12:08 08/06/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nợ xấu của các ngân hàng tăng nhẹ. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều khẳng định, nợ xấu không đáng ngại.

Nợ xấu tăng nhưng không đáng lo ngại

Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, nợ xấu của các ngân hàng tăng nhẹ, với tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng đang niêm yết đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 3.948 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng nhẹ 0,02% lên 1,41%.

Trong tổng số các ngân hàng đang niêm yết, có 17 ngân hàng tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình 0,05-0,1%. Đáng chú ý là Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tăng 0,32%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 0,26% và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tăng 0,19%. VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 3,5%, tăng 0,05% so với cuối năm trước.

Tuy nhiên, sự ra đời Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được đánh giá là sẽ giúp ngân hàng, cũng như doanh nghiệp giảm gánh nặng về nợ xấu.

Nợ xấu của các ngân hàng tăng nhẹ (Ảnh minh họa)

Bởi theo Thông tư 03, các ngân hàng sẽ được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch trong thời gian dài hơn, với lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm.

Trên thực tế, ngay cả khi chưa có Thông tư 03, nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro, với tỷ lệ bao phủ lớn để tránh những “cú sốc” có thể gây ra bởi nợ xấu. Theo thống kê, trong những tháng đầu năm, phần dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của các ngân hàng tăng 12% so với cuối năm 2020, tỷ lệ bao phủ tổng nợ xấu với 25 ngân hàng tăng từ 103% lên 110%.

Trong đó, Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống với 279%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có tỷ lệ bao phủ nợ xấu 219%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank): 155,4%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank): 134%...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, ngân hàng rất thận trọng trong dự phòng rủi ro nợ xấu và luôn trích lập đầy đủ. Chẳng hạn, theo quy định thì với các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích lập 65%, nhưng ngân hàng vẫn trích lập đủ 100%...

Chỉ tính riêng trong quý I, Vietcombank trích lập dự phòng thêm 2.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo Thông tư 03 cho phép các ngân hàng được lập trích dự phòng bổ sung đối với khoản nợ tái cơ cấu trong 3 năm, song Vietcombank phấn đấu trích lập đầy đủ trong năm 2021.

Nợ xấu nguy cơ tăng theo diễn biến dịch bệnh

Rõ ràng, đến thời điểm này, nợ xấu chưa đáng lo ngại, nhưng các chuyên gia nhận định, nợ xấu có nguy cơ tăng cao khi dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, nhất là đợt dịch bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 đến nay. Dịch bệnh tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả nợ vay ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp đã phải đóng cửa dừng hoạt động, khiến áp lực nợ xấu tăng lên. Dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay, song nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Do vậy, ngân hàng vẫn phải đối diện thách thức nợ xấu tăng lên từ trong năm nay và cả năm tới.

Nếu có vấn đề phát sinh thì ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến (Ảnh minh họa)

Những dự báo về thách thức trong thời gian tới là không nhỏ, vì dịch bệnh vẫn chưa thực sự được kiểm soát, nhưng đại diện của các ngân hàng đều khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19, ngay cả trong bối cảnh rủi ro tín dụng có thể gia tăng. Ngân hàng muốn giúp khách hàng tiếp cận được vốn ngân hàng để duy trì hoạt động và nắm bắt cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, hỗ trợ kinh tế hồi phục nhanh hơn.

Không phủ nhận nợ xấu chắc chắn chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2021, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, không nên quá lo bởi thời gian qua các ngân hàng cũng đã có kinh nghiệm, lường trước tình huống xấu đưa vào các kịch bản kinh doanh nên đã có sự chuẩn bị qua việc tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nếu có vấn đề phát sinh thì ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.

Bởi vậy, ngân hàng cần tiếp tục chủ động phân loại nợ và trích lập dự phòng theo thực tế đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tránh cú sốc nợ xấu tăng vọt khi tới thời hạn phân loại nợ. Các ngân hàng nên có chính sách thẩm định tài sản bảo đảm cho phù hợp, thận trọng để hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu mới phát sinh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách căn cứ trên tình hình thực tế. Do đó, ngân hàng, doanh nghiệp không nên quá lo lắng, bởi nếu sau khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn khó khăn, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/ngan-hang-co-du-kha-nang-ve-von-de-trich-lap-du-phong-rui-ro-33638.html?fbclid=IwAR2C7hXS1-C7LY2BIJmFZVC1GOTa7dZYxHO0obc8AkwO85ELjOgFvC5Apjo

Bạn đang đọc bài viết Nợ xấu có nguy cơ tăng cao khi dịch COVID-19 chưa được kiểm soát tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng
Giá vàng thế giới tăng trở lại sau khi số liệu kinh tế Mỹ không cao như dự kiến, đẩy giá vàng trong nước đi lên tiến sát ngưỡng 58 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố quyết định tăng vốn điều lệ lên hơn 20.273 tỷ đồng thông qua chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho người lao động