Do không phải ngồi hóng từng đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước như các ngân hàng thương mại nhà nước, vốn điều lệ khối ngân hàng thương mại tư nhân đã bứt tốc trong những năm trở lại đây.
Toàn bộ ngân hàng có vốn nhà nước đều lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2021. Nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2/4 ngân hàng nhận được quyết định chính thức.
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng gần đây, đánh giá tính cấp bách việc tăng vốn điều lệ cho khối ngân hàng thương mại nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Nếu không được bổ sung vốn, các ngân hàng này sẽ bị hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần”.
Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các ngân hàng thương mại nhà nước đã mất 142 điểm cơ bản thị phần tín dụng trong 5 năm qua.
Thực ra, câu chuyện tăng vốn của khối ngân hàng thương mại nhà nước luôn là một vấn đề nan giải. Theo văn bản hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018; theo đó, Chính phủ cho phép dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% trở lên.
Đồng thời, toàn bộ ngân hàng có vốn nhà nước đều lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2021. Nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2/4 ngân hàng nhận được quyết định chính thức.
Cụ thể, tuần cuối tháng 5, Vietinbank chính thức được Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung gần 7.000 tỷ đồng vốn nhà nước theo Quyết định số 765/QĐ-TTg.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cũng đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của ngân hàng này, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, theo vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước: “Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ của nhu cầu”.
Trái lại, vốn điều lệ của khối ngân hàng tư nhân tăng khá nhanh. Hiện Techcombank có vốn điều lệ trên 35.049 tỷ đồng, MB là 27.988 tỷ đồng, VPBank 25.300 tỷ đồng. Phải nói thêm rằng, mới đây MB còn được chấp thuận cho tăng vốn thêm khoảng 9.795 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn điều lệ tính đến thời điểm 31/12/2020 của Vietcombank là 37.089 tỷ đồng, VietinBank là 37.234 tỷ đồng, Agribank là 30.709 tỷ đồng.
Được biết, cũng do khó tăng vốn nên tỷ lệ an toàn vốn (CAR) áp dụng theo thông tư 41/2016/TT-NHNN của khối ngân hàng nhà nước đạt 8,96%, thấp hơn nhiều so với khối thương mại tư nhân (10,86%).
Vốn điều lệ thấp so với tổng tài sản, đã khiến cho các ngân hàng thương mại nhà nước không thể mở rộng thị phần tín dụng. Nói cách khác là phải "ăn dè" chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Điều này bất cập, khi tín dụng tăng thấp thì lợi nhuận/tổng tài sản; lợi nhuận/vốn bị thấp, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và quyền lợi các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước.
Chưa kể, thị phần tín dụng tăng thấp thì các trụ cột của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo