Lượng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng lập kỷ lục trong năm qua, đạt 14 triệu tỷ đồng |
Không chỉ tiền tiết kiệm, mà tín dụng cũng chảy vào chứng khoán
Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay chưa đến 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, còn kỳ hạn trên 12 tháng rất ít nhà băng áp dụng mức 5%/năm, chưa kể yêu cầu nguồn tiền gửi lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Vì thế, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn tìm lời giải bài toán sinh lời cao hơn cho đồng vốn, nhất là khi mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, thậm chí tiếp tục đi xuống.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng những tháng đầu năm 2024 giảm, bài toán “thừa” tiền trong ngân hàng sẽ khó được giải quyết sớm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng tính đến hết tháng 2/2024 giảm 0,72%. Mặt bằng lãi suất cho vay và cả lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ giảm thêm trong vài tháng tới để kích cầu tín dụng.
Một chuyên gia phân tích tài chính nhận xét, lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức thấp, quanh 3%/năm, nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng rất thấp. Đặc biệt, đối với tiền gửi ngắn hạn, lãi suất chỉ còn 2 - 3%/năm, người gửi tiền không có lãi, thậm chí còn không được hưởng lãi suất thực dương. Do đó, khi các kênh đầu tư khác hồi phục, dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển hướng mạnh hơn. Trong đó, chứng khoán và bất động sản dự kiến sẽ dần thu hút dòng tiền nhàn rỗi.
TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM nhìn nhận, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng đang ở mức kỷ lục (khoảng 14 triệu tỷ đồng), một phần trong số đó chực chờ cơ hội để chuyển hướng sang các kênh đầu tư có cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn. Không chỉ tiền gửi tiết kiệm tìm hướng dịch chuyển, mà ngay cả vốn tín dụng cũng bắt đầu chảy vào chứng khoán, bất động sản.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Điều đáng quan tâm là mức giảm của tín dụng xuất hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, nhưng có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm nay, đó là tín dụng bất động sản tăng 0,23% và tín dụng chứng khoán tăng 2,56%.
Liên quan đến tiền đồng, tại Hội nghị về điều hành chính sách tiền tệ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 14/3/2024, ông Đào Minh Tú cho hay, kinh tế toàn cầu diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất trên thế giới ở mức cao, giá USD và giá vàng biến động mạnh, chênh lệch lãi suất USD - VND âm kéo dài... là những yếu tố tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá USD/VND ở trong nước, nhất là khi lãi suất huy động VND nhiều khả năng tiếp tục giảm.
Chứng khoán có cơ hội nhiều hơn vàng và bất động sản
Dòng tiền dịch chuyển sang chứng khoán, bất động sản được cho là phù hợp trong bối cảnh hiện nay và khả năng sẽ tiếp tục diễn ra.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, thị trường chứng khoán có triển vọng tăng trưởng và việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng 60.000 tỷ đồng trong 4 phiên từ ngày 11 - 14/3/2024 không tác động nhiều đến thị trường. Bởi lẽ, đây chỉ là một nghiệp vụ bình thường trong điều hành chính sách tiền tệ và nhằm bình ổn tỷ giá, chứ ít tác động đến dòng tiền.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ ngân hàng sang các kênh khác. Hai kênh đang có cơ hội thu hút dòng vốn nhiều nhất là vàng và chứng khoán. Giá vàng quốc tế và trong nước nhiều khả năng tiếp tục tăng cho đến khi Chính phủ có sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Do đó, một bộ phận nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục đổ tiền vào kênh này.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, nhà đầu tư đang có ý định bỏ tiền vào vàng nên đợi thêm một thời gian, bởi những tác động từ chính sách của Chính phủ và việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có thể làm cho giá vàng ở thị trường nội địa đảo chiều, nếu xóa độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC, tăng cung cho thị trường và cho phép nhập khẩu vàng. Mặt khác, tình hình chính trị tại Mỹ, cụ thể là cuộc bầu cử Tổng thống năm nay có tác động mạnh đến thị trường vàng. Do vậy, các nhà đầu tư vàng cần thận trọng.
Kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền hơn trong thời gian này là chứng khoán. Gần đây, thị trường chứng khoán hồi phục, nhưng dòng tiền còn yếu, phần lớn do nhà đầu tư có tâm lý thăm dò và nguồn tiền lớn vẫn nằm trong kênh tiết kiệm. Điểm số của thị trường chứng khoán vẫn còn cách xa đỉnh lịch sử nên hứa hẹn sẽ còn nhiều hỗ trợ cho kênh này.
Với kênh đầu tư bất động sản, giới phân tích tài chính dự báo, kênh này sẽ hút dòng tiền trong dài hạn. Hiện tại, đây là kênh duy nhất vẫn trầm lắng, trong khi các kênh đầu tư khác đang đi lên, thậm chí tạo đỉnh. Vấn đề của nửa đầu năm nay dự kiến vẫn là doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn, rủi ro thị trường ở mức cao và chưa có nhiều sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân khi còn khó khăn, nhưng có triển vọng hồi phục trong nửa sau của năm 2024.
Mặc dù vậy, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân lưu ý, thị trường bất động sản chưa thể kỳ vọng hồi phục mạnh trong năm nay. Phân khúc cao cấp và đất nền nhiều khả năng vẫn khó khăn. Phân khúc nhà ở chỉ phù hợp với những khách hàng cá nhân có nhu cầu nhà ở thực và đáp ứng được khả năng trả nợ vay mới có thể nghĩ đến việc vay tiền mua nhà.
Với kênh tiền gửi ngân hàng, lãi suất huy động đang tiếp tục giảm, nhưng giới phân tích tài chính dự báo, trong nửa sau năm 2024, khi nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, nhu cầu vay của các doanh nghiệp sẽ tăng, từ đó các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động nhằm huy động vốn để cho vay, song mức tăng lãi suất dự kiến không nhiều.
Theo Tin nhanh Chứng khoán