Tránh “mất tiền oan”, người dùng thẻ tín dụng cần lưu ý

NHVN 10:05 20/03/2024

Người dùng thẻ tín dụng cần hiểu rõ thời gian miễn lãi, hạn thanh toán, dư nợ cuối kỳ, khoản thanh toán tối thiểu, cách tính lãi... để tránh mất tiền oan.

Thẻ tín dụng giúp người dùng chi tiêu trước, trả tiền sau. Khi dùng thẻ này, ngân hàng sẽ cấp một hạn mức tín dụng nhất định cho thẻ, người sử dụng có thể chi tiêu, thanh toán với số tiền nằm trong hạn mức đó. Đến hạn thanh toán, người dùng cần nạp, hoàn lại số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng.

Ảnh minh họa

Không ít người nhầm lẫn thẻ tín dụng là thẻ Visa, MasterCard, JCB, American Express... Thật ra đây là các loại thẻ thanh toán quốc tế do các công ty liên kết với ngân hàng để phát hành và nó có thể là thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước. Thẻ trả trước là một loại thẻ ATM, dùng để rút tiền, chuyển tiền hoặc thanh toán hàng hóa bằng số tiền có trong thẻ. Trong thẻ có bao nhiêu tiền, người dùng chi tiêu được bấy nhiêu.

Để quản lý thẻ tín dụng, người dùng cần hiểu rõ bảng sao kê và các thuật ngữ được thể hiện trong đấy. Bảng sao kê luôn được ngân hàng phát hành mỗi tháng (bằng văn bản giấy, email hoặc ứng dụng trên điện thoại), ghi nhận tổng quan các hoạt động chi tiêu của thẻ tín dụng. Bảng chứa nhiều thông tin, nhưng cần chú ý nhất là ngày lập bảng, khoản dư nợ tín dụng cần trả (gồm khoản thanh toán tối thiểu và dư nợ cuối kỳ), ngày thanh toán.

Ngày lập bảng (hay ngày sao kê) giúp xác định khoảng thời gian sao kê thẻ tín dụng. Tất cả giao dịch từ ngày lập bảng tháng trước đến hết ngày lập bảng tháng này sẽ được tính vào dư nợ. Ví dụ, ngày sao kê của một thẻ tín dụng là 25 mỗi tháng. Vậy dư nợ của tháng 3 sẽ gồm các giao dịch được ghi nhận từ ngày 26/2 đến ngày 25/3. Cần lưu ý thêm, ở một số ngân hàng, giao dịch có thể được ghi nhận với độ trễ 1-2 ngày kể từ ngày thực hiện. Do đó, bảng sao kê có thể tính cả các giao dịch được "quẹt" trước ngày lập bảng.

Ngày thanh toán là mốc thời gian cuối cùng, chủ thẻ cần trả nợ cho ngân hàng để không bị tính lãi và phí. Do độ trễ trong ghi nhận giao dịch kể trên, bạn nên thanh toán dư nợ thẻ trước ngày quy định khoảng 1-2 ngày để hệ thống ngân hàng ghi nhận thành công, tránh những khoản phát sinh không đáng có.

Khoảng cách giữa ngày sao kê đến ngày thanh toán được quy định bởi thời gian miễn lãi. Các ngân hàng hiện nay đưa ra chính sách miễn lãi suất dao động trong khoảng 45-55 ngày.

Nhiều người dùng hiểu lầm rằng, số ngày miễn lãi suất được tính từ lúc bắt đầu phát sinh giao dịch. Dù bất cứ thời điểm nào, 45-55 ngày sau đó vẫn không bị tính lãi. Đây là cách hiểu hoàn toàn sai. Công thức tính đúng như sau:

Ngày chốt sao kê của tháng trước + Số ngày được miễn lãi suất

Ví dụ, một thẻ tín dụng có thời điểm chốt sao kê vào ngày 30 hàng tháng với 45 ngày miễn lãi. Vậy, hạn chót người dùng phải thanh toán là ngày 15 tháng sau (hoặc ngày 14 nếu là tháng nhuận).

Hai dữ kiện dễ gây nhầm lẫn cho người dùng thẻ tín dụng trong bảng sao kê là dư nợ cuối kỳ và khoản thanh toán tối thiểu.

Dư nợ cuối kỳ gồm tất cả giao dịch trong kỳ sao kê tháng này (gồm cả khoản trả góp) cộng số dư nợ chưa được thanh toán từ các kỳ sao kê trước (nếu có). Còn khoản thanh toán tối thiểu là số tiền ít nhất phải trả trong kỳ, thông thường sẽ bằng 5-10% tổng dư nợ cuối kỳ, số tiền còn lại ngân hàng đồng ý cho chủ thẻ vay và phải trả lãi.

Nếu không muốn bị tính lãi và phí, người dùng thẻ bắt buộc phải thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ trước ngày đến hạn. Nhiều người nhầm lẫn chỉ cần trả khoản thanh toán tối thiểu, dẫn đến việc phát sinh chi phí không mong muốn vì bạn vẫn còn nợ ngân hàng 90-95% số tiền đã sử dụng của tháng trước.

Trong trường hợp thanh toán sau ngày quy định, không thanh toán hoặc thanh toán ít hơn khoản tối thiểu, chủ thẻ sẽ bị tính lãi và phí trả chậm. Trong đó, lãi suất sẽ được tính theo dư nợ cuối ngày, cộng dồn sau mỗi giao dịch phát sinh trong tháng. Còn phí trả chậm thường được các ngân hàng quy định (khoảng 4-8%) trên số tiền thanh toán tối thiểu. Các ngân hàng hiện nay còn quy định phí trả chậm tối thiểu, nếu phí trả chậm thực tế của bạn nhỏ hơn, bạn vẫn bị thu theo mức quy định.

Ví dụ, bạn sở hữu một thẻ tín dụng có lãi suất 40% mỗi năm, phí trả chậm là 5% với mức tối thiểu 150.000 đồng. Ngày sao kê là 30 hàng tháng, miễn lãi trong 45 ngày và mức tối thiểu cần thanh toán là 10% tổng dư nợ cuối kỳ.

Trong tháng 4, bạn phát sinh 3 giao dịch. Cụ thể, ngày 1/4, bạn mua tivi 10 triệu đồng, dư nợ cuối ngày là 10 triệu. Ngày 15/4, bạn đi ăn nhà hàng 2 triệu đồng, dư nợ cuối ngày là 12 triệu. Ngày 20/4, bạn tiếp tục mua túi xách 1 triệu đồng, dư nợ cuối ngày là 13 triệu.

Sao kê tháng 4 hiển thị bạn có dư nợ thẻ 13 triệu và cần thanh toán tối thiểu 1,3 triệu đồng. Đến ngày 15/5 - hạn thanh toán, bạn chỉ đủ tiền để trả 1 triệu đồng, còn nợ 12 triệu. Sau đó, bạn dùng thẻ để mua quần áo 3 triệu đồng vào ngày 20/5, dư nợ cuối ngày là 15 triệu. Đây cũng là giao dịch duy nhất của bạn trong tháng.

Bảng dưới đây thể hiện cách ngân hàng tính lãi suất đến ngày chốt sao kê của tháng 5 (tức ngày 30/5).

Giai đoạn tính lãi

Số ngày tính lãi

Dư nợ cộng dồn

Công thức tính lãi

Tiền lãi

1 - 14/4

14

10.000.000

10.000.000 x (40%/365) x 14

153.425

15 - 19/4

4

12.000.000

12.000.000 x (40%/365) x 4

52.603

20/4 - 14/5

24

13.000.000

13.000.000 x (40%/365) x 24

341.918

15-19/5

4

12.000.000

12.000.000 x (40%/365) x 4

52.603

Ngày 20-30/5

10

15.000.000

15.000.000 x (40%/365) x 10

164.384

Tổng cộng

764.932

Do chỉ trả 1 triệu đồng, thấp hơn khoản thanh toán tối thiểu (1,3 triệu), ngân hàng sẽ tính thêm lãi trả chậm như sau: 1.300.000 x 5% = 65.000 đồng. Con số này thấp hơn mức phí trả chậm tối thiểu nên bạn vẫn phải trả 150.000 đồng.

Như vậy, tổng số tiền lãi và phí bạn cần trả cho số nợ trên tính đến ngày sao kê của tháng 5 sẽ là 914.932 đồng.

Trong các chi phí cố định của thẻ tín dụng, ngoài lãi suất và phí trả chậm, người dùng bắt buộc phải trả phí thường niên. Đây là mức phí hàng năm mà người dùng nộp cho ngân hàng để duy trì thẻ. Một số ngân hàng hiện nay có chính sách miễn phí thường niên nếu đáp ứng các điều kiện chi tiêu theo quy định.

Còn lại, người dùng không bắt buộc phải trả bất kỳ loại phí nào nếu không sử dụng dịch vụ hoặc vi phạm quy định. Một số thẻ tín dụng mặc định đăng ký dịch vụ thông báo số dư và bảo hiểm thẻ tín dụng cho người dùng ngay khi phát hành thẻ. Nếu không có nhu cầu sử dụng, người dùng có thể yêu cầu ngân hàng hủy và không cần đóng phí.

Theo Báo Công thương

Link gốc : https://congthuong.vn/tranh-mat-tien-oan-nguoi-dung-the-tin-dung-can-luu-y-309525.html

Bạn đang đọc bài viết Tránh “mất tiền oan”, người dùng thẻ tín dụng cần lưu ý tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng
Năm 2023 là một năm tăng vốn điều lệ kỷ lục của ngành Ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng vốn điều lệ của các NHTM là hơn 760 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 100 nghìn tỷ so với cuối năm 2022.