Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu: Cổ đông hưởng lợi kép

NHVN 14:37 05/07/2021

Một số ngân hàng còn gây bất ngờ cho cổ đông khi chia cổ tức bằng cổ phiếu ngay trong năm nay, thay vì giữ lại như kế hoạch đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021 được tổ chức mới đây.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/7 để lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (Ảnh minh họa)

Thông tin này gây bất ngờ với nhà đầu tư, bởi trong phiên họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 4, lãnh đạo VPBank đã trình cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức mà giữ lại khoản lợi nhuận 8.851 tỷ đồng còn lại sau khi trích quỹ bắt buộc để phục vụ hoạt động kinh doanh. Đáng lưu ý, VPBank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức gây sốc: 80% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 100:80).

Nhiều ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao như: MB sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%; VietinBank định ngày 8/7 là ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 29%; HDBank phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành hơn 398 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương tỷ lệ phân phối 25%; OCB sẽ phát hành gần 274 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 25%; VIB ngày 10/6 hoàn tất phát hành hơn 443,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 40%...

Một số chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do khiến các ngân hàng vẫn chia cổ tức bằng cổ phiếu dù Ngân hàng Nhà nước không cấm chia cổ tức bằng tiền mặt. Bởi, chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh, từ đó phát triển bền vững hơn.

Cổ đông hưởng lợi kép

Ngoài ra, tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Hiện, thu nhập của nhiều ngân hàng phần lớn vẫn đến từ tín dụng. Để duy trì được hệ số an toàn vốn ở mức hiện tại, thì với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7-8%.

Do vậy, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều ngân hàng tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn nhằm tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cổ đông ai cũng muốn chia cổ tức bằng tiền mặt. Nhiều người có quan niệm mua cổ phiếu như là gửi tiền ngân hàng đó, nên mong cuối năm sẽ nhận được tiền mặt cho khoản tiết kiệm này. Thế nhưng, trong những năm vừa qua, các nhà đầu tư thường xuyên nhận cổ tức bằng cổ phiếu vì nhiều ngân hàng phải tăng vốn điều lệ mới đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41. Do đó, các ngân hàng buộc phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt thì chia bằng cổ phiếu.

Tuy nhiên, năm nay, với diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt như thời gian vừa qua, các nhà đầu tư không phàn nàn, thậm chí còn có thể vui vẻ nhận cổ tức bằng cổ phiếu hơn là bằng tiền mặt, khi mà khoản đầu tư cổ phiếu ngân hàng sinh lời khá tốt.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là tâm điểm dẫn đầu thị trường chứng khoán với mức tăng trưởng mạnh. Điển hình, cổ phiếu SSB của SeABank tăng hơn 130% kể từ khi lên sàn hồi tháng 3; cổ phiếu SHB tăng hơn 58% kể từ đầu năm, cổ phiếu MBB của MB tăng hơn 80%, cổ phiếu CTG của VietinBank tăng hơn 50%…

Có thể thấy, cổ đông các ngân hàng không chỉ hưởng lợi từ đợt tăng giá cổ phiếu “khủng” trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây, mà còn được chia cổ tức với tỷ lệ đáng kể.

Theo Kinh tế chứng khoán

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-chia-co-tuc-bang-co-phieu-co-dong-huong-loi-kep-97228.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu: Cổ đông hưởng lợi kép tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán: HDB) vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 20.073 tỷ đồng.
Tại Vietcombank – ngân hàng lợi nhuận tỷ USD, sau khi ông Nghiêm Xuân Thành rời "ghế nóng" làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, người thay thế ông Thành được dư luận rất quan tâm.