heo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỉ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng mạnh kể từ năm 2020 và dự kiến sẽ còn tăng trong giai đoạn tới.
Trên thực tế, để ứng phó với diễn biến tiêu cực của nợ xấu, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đã tăng lên mức 150% cuối năm 2021, là mức cao nhất từ trước tới nay. Song không thể phủ nhận nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gánh nặng đối với hệ thống TCTD là không nhỏ.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và kéo dài trong 5 năm, theo đó Nghị quyết sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022. Trong gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết 42 đã phát huy những mặt tích cực nhưng cũng phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản bảo đảm bảo của các TCTD.
Xử lý trên 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó: giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2021 xử lý được trên 800 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 368,9 nghìn tỷ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro). Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến cuối năm 2021, đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012 - 2017). Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%.
Kết quả đạt được đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 42 trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, thu hồi vốn cho các TCTD để tái đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Tại hội thảo "Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng" tổ chức sáng 19/2, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới cùng với môi trường pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu trong năm 2022 không hoàn toàn thuận lợi cho vấn đề giải quyết nợ xấu của hệ thống TCTD.
"Dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn trong năm 2022, hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi song doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn nên nợ xấu có xu hướng gia tăng" - ông Lực nói.
Ông Lực cũng cho rằng vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi mà tỉ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. "Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan" - TS Cấn Văn Lực nói.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đánh giá nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan của nền kinh tế, trong khi Nghị quyết số 42 chỉ còn nửa năm nữa là kết thúc thời gian thí điểm về xử lý nợ xấu của các TCTD, khi đó toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.
"Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay chưa biết khi nào kết thúc" - ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.
6 lý do để gia hạn Nghị quyết 42
Trước bối cảnh Nghị quyết 42 sắp đến thời điểm hết hiệu lực, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng có 6 lý do để cân giắc gia hạn thêm.
Thứ nhất, tác động, hiệu quả của Nghị quyết 42 là rất tích cực, rõ nét. Thứ hai, còn một số vướng mắc chính khi thực hiện Nghị quyết 42 trong thời gian qua. Thứ ba, nợ xấu là vấn đề liên tục, hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng. Thứ tư, Nghị quyết sẽ góp phần cải thiện, tăng hiệu lực, hiệu quả của thể chế, một trong 3 đột phá chiến lực. Thứ năm, về trách nghiệm quốc tế, đây là lúc rà soát các quy định pháp luật về kinh doanh, quản lý và xử lý nợ xấu. Thứ sáu, xử lý bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu. Qua đó tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thực tế, Nghị quyết 42 chỉ mang lại hiệu quả "cục bộ" cho nhóm nợ nhất định, không tạo hiệu ứng đồng bộ trong công tác xử lý nợ nói chung và nhiều trường hợp thực tế, chính khách hàng đang lợi dụng tính chất áp dụng này để cố tình không hợp tác xử lý dứt điểm khoản nợ.
"Do đó, luật hóa cần theo hướng áp dụng cho tất cả khoản nợ phát sinh/có nguồn gốc từ hoạt động tín dụng ngân hàng" - ông cho biết.
Bên cạnh đó, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch nợ trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch.
Đối với nội dung cần luật hóa liên quan đến quy định về giao dịch bảo đảm, cần làm rõ tính chất pháp lý của biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh; luật hóa các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp là quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên; luật hóa các quy định liên quan đến quyền xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) là quyền sử dụng đất, nhà ở để tháo gỡ các vướng mắc, chưa phù hợp tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Cần tiến tới luật hóa Nghị quyết 42
Cũng tại buổi hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, Nghị quyết số 42 đã sắp hết hiệu lực, thời hạn thực hiện chỉ còn 6 tháng, nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này thì sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành Ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau hậu quả của dịch Covid-19.
"Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này" - Luật sư Đức cho hay.
Theo ông Đức, Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5-10 năm nữa, cho đến khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Còn theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực, dù tỉ lệ bao phủ nợ xấu của các TCTD đã được cải thiện rõ rệt, song rủi ro nợ xấu luôn tiềm ẩn. Trong khi đó, Nghị quyết 42 và Thông tư 14 hết hiệu lực trong vài tháng tới sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD kể từ quý IV/2022 lớn.
"Do vậy, các giải pháp mạnh mẽ để xử lý triệt để nợ xấu, đặc biệt các giải pháp liên quan đến khung pháp lý, cần phải được đặc biệt chú trọng trong năm 2022 để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tránh tình trạng nợ xấu cũ chưa được xử lý, nợ xấu mới gia tăng nhanh hơn nhằm tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế" - ông Lực nói.
"Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc Hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan; hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp Nghị quyết 42 theo hướng tiếp thu các mặt được, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi" - ông Lực nhấn mạnh.