Trong báo cáo chiến lược tháng 2/2022, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng sang năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến vẫn duy trì tích cực với hơn 13% và chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa.
Theo đó, đối với các ngân hàng có tỷ trọng ngân hàng bán lẻ cao như VPBank, VIB, TPBank, tỷ lệ nợ xấu sẽ sớm được phản ánh trên báo cáo tài chính. Ngược lại, nợ xấu phát sinh từ cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, phụ thuộc vào mức độ hồi phục của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Do vậy, nhóm chuyên gia cho rằng nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Gần đây, một số ngân hàng đã đưa ra kết quả sơ bộ với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đột biến, ví dụ như Vietcombank cho biết đã trích lập toàn bộ nợ tái cơ cấu liên quan đến COVID-19.
Bên cạnh đó, do tác động của Thông Tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng được phép cơ cấu một phần dư nợ của khách hàng mà không chuyển nhóm.
Vì vậy, tỷ lệ nợ được tái cơ cấu dựa trên Thông tư 14 có thể không đáng kể, nhưng một khi doanh nghiệp mất khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ thì nợ xấu tiềm năng từ các khoản nợ còn lại có thể khiến nợ xấu của ngân hàng tăng cao, theo Mirae Asset.
Trong khi đó, NIM dự báo giảm nhẹ trong năm 2022. Ở chiều tích cực, bộ phận phân tích cho rằng sự kết thúc của các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 sẽ gia tăng lợi suất danh mục tín dụng của các ngân hàng.
Mảng ngân hàng bán lẻ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới cũng thúc đẩy lợi suất danh mục tín dụng.
Cũng theo công ty chứng khoán này, các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 2,3 lần giá trị sổ sách, cao hơn nhiều so với đa phần các ngân hàng trong khu vực. Tuy nhiên, mức định giá hiện tại là hợp lý do tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) của các ngân hàng Việt Nam cao hơn gấp đôi so với những ngân hàng tương đương trong khu vực.
Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận luôn được duy trì ở mức trên 20% cũng là một yếu tố giúp ngân hàng được hưởng mức định giá hiện tại.