Tuyên bố chung của các lãnh đạo Ủy ban châu Âu, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada cho biết việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này "mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và bị tổn hại năng lực hoạt động toàn cầu".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dọa rằng các đòn trừng phạt cao nhất dành cho Nga sẽ còn nghiêm trọng hơn SWIFT.
“Chúng tôi sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm và cùng bảo đảm rằng cuộc chiến này là một thất bại chiến lược đối với ông Putin”, lãnh đạo Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, ý, Anh, Canada và Mỹ tuyên bố.
Quyết định được đưa ra sau khi Mỹ và các đồng minh đã trừng phạt các ngân hàng lớn của Nga, cá nhân Tổng thống Vladimir Putin và nhiều người khác, trong khi quân Nga đang tiến vào thủ đô Kiev của Ukraine.
“Khi lực lượng Nga mở cuộc tấn công và Kiev và các thành phố khác của Ukraine, chúng tôi quyết tâm gây ra những tổn thất lớn cho Nga. Những tổn thất đó sẽ cô lập Nga hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế và các nền kinh tế của chúng tôi”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố.
Bước đi này sẽ ngăn cản ông Putin sử dụng 630 tỷ USD dữ trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương Nga bảo vệ đồng rúp đang lao dốc.
Việc bị loại khỏi hệ thống SWIFT – mạng thanh toán quốc tế chủ yếu của thế giới – sẽ là đòn giáng mạnh đối với thương mại của Nga và khiến các doanh nghiệp Nga khó làm ăn.
SWIFT bảo đảm các thanh toán qua biên giới diễn ra nhanh chóng, giúp thương mại quốc tế hoạt động dễ dàng.
Hệ thống này đã trở thành cơ chế quan trọng nhất để phục vụ thương mại quốc tế, với hàng nghìn tỷ đô la Mỹ được chuyển qua mỗi năm.
Một quan chức Mỹ nói với báo chí rằng nếu bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng có thể sẽ phải dùng điện thoại hoặc máy fax để chuyển tiền. Nhưng quan chức này khẳng định hầu hết các ngân hàng trên thế giới sẽ dừng mọi giao dịch với các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống.
Mỹ và các đồng minh sẽ chốt danh sách các ngân hàng bị loại khỏi SWIFT trong những ngày tới, trong đó những ngân hàng đã bị Mỹ và châu Âu trừng phạt sẽ bị đưa vào danh sách đầu tiên.
SWIFT ảnh hưởng như thế nào?
SWIFT, là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được ví như mạng xã hội Twitter của các ngân hàng, giúp cung cấp thông tin giao dịch cho các tổ chức tài chính. Hệ thống này thành lập năm 1973, có trụ sở tại Bỉ, và hiện đang kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Nó không chuyển tiền mà chuyển thông tin về tiền. Thật ra nó như một mạng xã hội nhắn tin, một Twitter cho các ngân hàng", bà Alexandra Vacroux, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Á-Âu của Đại học Harvard, mô tả.
Cụ thể, SWIFT ghi nhận trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày trong năm 2021 và đến 82 triệu tin nhắn trong tháng 2/2022. Các tin nhắn này là về giao dịch chứng khoán, thương mại...
Với khả năng cho phép các ngân hàng xử lý một lượng giao dịch lớn nhanh chóng và an toàn, SWIFT được coi là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế. Hơn một nửa các khoản thanh toán giá trị lớn xuyên quốc gia đều xử lý qua hệ thống này.
Theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức của nước này sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng tham gia hệ thống này biến Nga thành nước đứng thứ 2 sau Mỹ về số lượng người dùng.
Các chuyên gia so sánh việc Nga bị loại khỏi SWIFT cũng giống như bị cắt Internet. "Hãy tưởng tượng những tổ chức này hoạt động trực tuyến với các khách hàng gửi thông tin và giao dịch, rồi đột nhiên ngắt kết nối với hệ thống", Đài CBC dẫn lời Markos Zachariadis, chuyên gia về hệ thống thông tin và công nghệ tài chính tại Đại học Manchester, giải thích.